Tiểu Kiều chạy ngay đến nhĩ phòng [1] ở Bắc phòng chờ bái kiến.


[1] Nhĩ phòng là phòng nhỏ kèm thêm trong thiết kế phòng ốc truyền thống của Trung Quốc, diện tích nhỏ hơn phòng chính, có thể xây hai bên phòng chính nên gọi là nhĩ phòng.


Từ lão phu nhân vừa mới về tới nhà, hơn nữa bởi vì vốn không ưa, chưa chắc bà đã muốn nhìn thấy nàng sớm vậy, chẳng qua nàng muốn làm tròn xong bổn phận. Chờ ở nhĩ phòng một lúc, nhìn xuyên qua cửa sổ là hành lang phòng chính, người ra kẻ vào như trẩy hội, tiếng bước chân lộp cộp không ngừng, ngoài tôi tớ ra còn có cả quản sự Ngụy gia và mấy người trông như quan lại ở trong thành.


Nàng đợi đến khi trời sắp tối, tiếng bước chân trên hành lang cũng thưa thớt dần dần, rốt cục cũng có một vú già xuất hiện ở trước cửa nhĩ phòng, khom lưng mời Tiểu Kiều đi sang.


Tiểu Kiều bỗng cảm thấy lo lo, nàng vội bình tĩnh lại rồi đi theo vú già bước về khu sảnh chính.


Kiếp trước, trong lần cuối cùng hai tỷ muội Song Kiều gặp được nhau, Tiểu Kiều nghe Đại Kiều kể cũng hiểu ra nhiều điều, người duy nhất ở Ngụy gia chưa từng làm khó nàng, người duy nhất bốn mùa lễ lạc vẫn nhớ cho người tặng ít đồ sang đó, chỉ có tổ mẫu của Ngụy Thiệu mà thôi. Đáng tiếc tuổi thọ của Từ lão phu nhân đã tận, lúc Đại Kiều mới gả sang nhà họ Ngụy còn chưa tới một năm, bà đột ngột qua đời, từ đó tình cảnh của Đại Kiều càng trở nên khốn khổ.


Chính vì vậy, Tiểu Kiều mới cực kì coi trọng cửa ải bái kiến Từ phu nhân lần này, nàng không mong mình khiến bà vui vẻ, nhưng chỉ cần Từ phu nhân không giống với mẫu thân của Ngụy Thiệu, chí ít là sau một năm nay, với nàng mà nói cũng không phải chuyện xấu.


Bắc phòng và Tây phòng của Tiểu Kiều không khác nhau là mấy. Gian nhà rộng rãi hơn nhưng bày biện lại cực kì đơn giản, đơn giản đến mức không thể giản dị hơn, điều này càng làm nổi lên sự khác biệt với Đông phòng của Chu phu nhân. Vào trong chính đường, nơi bật lên thân phận của lão phu nhân Ngụy gia, trước mắt nàng là chiếc sạp cao bằng gỗ tử đàn được kê thêm ba bậc thang nho nhỏ. Hai bên sạp cao là chiếc bàn bốn cạnh đặt đồ dùng bên trên, phía sau được bao bởi một tấm bình phong sơn nước hoa văn mây khói. Giờ phút này, Từ lão phu nhân đang ngồi giữa sạp cao.


Lúc Tiểu Kiều đi vào, bên trong không còn được mấy người, chỉ rải rác vài vú già và Chung bà bà đứng hầu hạ cạnh bên. Nàng không thấy Chu phu nhân hay Trịnh Sở Ngọc có mặt. Ngụy Thiệu cũng ở đây, ngồi một bên chăm sóc lão phu nhân, thanh kiếm bất ly thân hằng ngày được đặt nằm ngang sạp.


Tổ mẫu Ngụy Thiệu có vóc người gầy đét, mặc y phục màu đen, mái tóc hoa râm cùng trán rộng miệng tròn, hai gò má hơi lõm xuống, gương mặt không có gì đặc biệt, nhìn qua chỉ giống một bà lão bình thường.Làm Tiểu Kiều bất ngờ hơn là bà chỉ còn một mắt, con mắt trái đã hoàn toàn trắng trợt, nhưng mà con mắt phải còn lại thì tinh nhanh lạ thường, cực kì minh mẫn. Bà ngồi trên sạp cao đưa một mắt nhìn xuống, khiến cho người ta không sao nhìn thẳng được.


Sau khi Tiểu Kiều bước vào đây, một con mắt duy nhất của Từ phu nhân luôn luôn dừng lại trên người mình, vẻ mặt khó phân biệt giận vui. Nàng lập tức cúi mắt, đi tới trước sạp cao quỳ xuống đối diện với tổ mẫu Ngụy Thiệu, chắp tay vấn an rồi dâng lên một đôi giày thêu bằng tơ tằm mềm mại.


Trong phòng yên tĩnh không nghe được một chút tiếng động nào.


Chung bà bà đi tới nhận lấy đôi giày rồi sai thị nữ bưngmột khay đỏ tới, bên trong là một viên ngọc bích Tứ linh dương và một chuỗi ngọc trai khảm vàng quà đáp lễ.


Ngọc bích Tứ linh dương ngụ ý chúc cát tường, ngọc châu cũng là thứ mà các trưởng bối thường hay tặng con cháu dùng làm quà ra mắt.


"Tấm lòng của lão phu nhân, Nữ quân xin nhận lấy, đứng dậy đi." Chung bà bà nói lại.


Tiểu Kiều tạ lễ rồi đứng lên, cúi đầu quy quy củ củ đứng bên cạnh Ngụy Thiệu.


Một lát sau, nàng cảm giác hình như Từ phu nhân trên sáp vẫn còn đang nhìn mình, không nhịn được khẽ ngước mắt nhìn lên, chạm ngay vào mắt bà.


. . .


Một thời gian trước đó, Chung bà bà đã báo cáo tin tức về nữ nhi Kiều gia cho lão phu nhân nghe. Chung bà bà cũng kể chuyện nàng bị Tĩnh Châu Trần Thụy bắt cóc ngay trên đường trở về và cả chuyện Quân Hầu đánh hạ vùng Thạch Ấp. Bà nói rằng dung mạo của Kiều Nữ hiếm có, cử chỉ có lễ, tính cách thì lương thiện.


Đáng tiếc.


Cuối cùng bà nói thêm như vậy.


Chung bà bà hầu hạ bên cạnh Từ lão phu nhân đã hơn nửa đời người, làm người cẩn thận, không bao giờ nói năng gì tùy tiện, chuyện biểu đạt trực tiếp cái nhìn của mình trước mặt Từ lão phu nhân thế này cũng đã là hiếm thấy.


Từ phu nhân hỏi tiếp hai chữ "Đáng tiếc" phải giải thích làm sao. Chung bà bà bẩm lại, lão phu nhân cứ nhìn rồi sẽ biết.


Lúc ấy Từ phu nhân cũng không buồn phản đối. Nhưng mà bây giờ, khi chính mắt bà nhìn thấy nữ nhi của Kiều gia, bỗng nhiên bà lại bừng tỉnh ngộ. Không ngờ Kiều gia có thể nuôi nấng một mỹ nhân hiếm có đến thế này. Quả thật là mở rộng tầm mắt. Lúc nàng đi vào, người có kiến thức rộng rãi như Từ lão phu nhân cũng sáng mắt hẳn lên.


Dung mạo chỉ là chuyện thứ yếu. Thực ra dáng vẻ của Kiều Nữ khá hợp mắt Từ lão phu nhân.


Trong cuộc đời mỗi người, nửa đời trước có được càng nhiều thì càng thêm trắc trở, đến khi lớn tuổi, rất nhiều suy nghĩ sẽ từ từ đổi thay, cuối cùng họ sẽ thích những thứ đơn thuần thanh tịnh.


Vật đã thế, người cũng vậy. Cho nên đó là lí do tại sao người ta càng già đi càng thích những đứa trẻ có duyên.


Khi Từ phu nhânnhìn Kiều Nữ, lúc nàng bỗng ngước mắt lên nhìn mình đầy vội vã.


Con mắt duy nhất của Từ phu nhân đã bắt được ánh mắt của người kia. Không phải là sợ hãi, chẳng qua có chút không xác định. Ngoài điều đó ra thì sáng ngời, thản nhiên.


Từ phu nhân nhìn người thường nhìn mắt đầu tiên. Trông mặt mà bắt hình dong cũng không phải là không có đạo lý. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, cũng là một trong tướng mạo người ta.


Trực giác của bà sẽ có cảm tình với những người có ánh nhìn như vậy.


Trái lại, có vài ngườinhư nàng dâu Chu thị, Từ phu nhân vẫn không có cách nào cảm tình được với bà. Đây cũng là từ ánh mắt buổi đầu tiên.


Năm đó trượng phu cưới Chu thị cho nhi tử, Từ phu nhân băn khoăn xuất thân của nàng nên có phần không muốn, nhưng dẫu sao đi nữa bà cũng không thể thay đổi được ý của trượng phu, phụ thân Chu thị có ân cứu mạng với ông ấy, cuối cùng Từ phu nhân cũng đành lòng đón nhận.


Lần đầu tiên nhìn thấy Chu thị, mặc dù trang phục thì đúng mực, nhất cử nhất động cũng có phong phạm thế gia, nhưng Từ phu nhân vẫn không hài lòng về người con dâu đó.


Lúc Chu thị nhìn bà,trong mắt nàng toát lên ha m muốn nóng lòng muốn nịnh bà vui vẻ.


Dù trang phục có khéo léo thế nào, cử chỉ có quy củ ra sao nhưng kết hợp với ánh mắt như thế cũng tự mình đã hạ thấp bản thân.


Cho nên chỉ vì một lần không hợp mắt đã kéo dài cho tới tận bây giờ.


Điểm duy nhất có thể khiến Từ phu nhân coi trọng Chu thị chỉ là vì bụng của nàng không hề thua kém ai, sinh cho Ngụy gia một cháu trai cực kì xuất sắc. Mẫu bằng tử quý, vì vậy Từ phu nhân mới có thể dễ dàng khoan dung cho Chu thị, nhắm một mắt mở một mắt theo ý bà.


Ban đầu Từ phu nhân làm chủ để tôn tử Ngụy Thiệu cưới Kiều Nữ là có suy tính cả.


Người bên ngoài bao gồm cả tôn tử Ngụy Thiệu của bà đều cho rằng bà đang nhắm Duyện châu, nhưng trên thực tế, bà có cân nhắc khác, chẳng qua người ngoài không biết được mà thôi.


. . .


Từ phu nhân đưa mắt nhìn Tiểu Kiều, thấy nàng rũ mắt xuống lần nữa, nề nếp đứng phía sau Ngụy Thiệu, hai người y hệt như một đôi bích nhân.


Câu đầu tiên bà mở miệng kể từ khi Tiểu Kiều bước vào đây: "Trọng Lân, bà vừa thấy cháu dâu thì rất thích. Được rồi, đi một ngày đường bà cũng thấy mệt mỏi, bà muốn nghỉ ngơi. Cháu dẫn nàng quay trở về đi thôi."


Ngụy Thiệu đứng dậy khỏi sạp nhỏ, cung kính nói: "Tôn nhi cáo lui, Tổ mẫu đi ngủ sớm một chút. Sáng mai Tôn nhi lại đến vấn an bà."


Từ phu nhân cười chúm chím gật đầu.


Ngụy Thiệu xuống sạp đi ra ngoài, Tiểu Kiều cũng hành lễ với Từ phu nhân lần nữa rồi xoay người đi theo hướng hắn đi, lúc ra đến hành lang bỗng vang vọng một chuỗi tiếng bước chân, tiếp sau đó là giọng nói vang lên: "Ngoại tổ mẫu đã về rồi, cháu lại không thể đi ra thành chào đón, tới thăm cũng tới trễ thì không nên chút nào! Ngoại tổ mẫu đừng trách cháu bất hiếu -- "


Hình như Tiểu Kiều từng nghe thấy giọng nói này ở đâu, một nam tử bỗng xuất hiện trước cửa, sải bước đi vào.


Tiểu Kiều ngước mắt nhìn lên, hơi ngẩn ra.


Sao lại trùng hợp như vậy chứ, ban ngày nàng vừa gặp nam nhân họ Ngụy đó trong cửa hàng giấy đỏ, chỉ có điều vào ngay lúc này đây, hình như nam tử đó không hề nhìn thấy mình, hai mắt nhìn thấy Ngụy Thiệu đi đằng trước thì như sáng hẳn lên, ngay sau đó khuôn mặt lộ ý cười, bước nhanh đi tới chỗ Ngụy Thiệu.


Ngụy Thiệu cũng mỉm cười nhanh chân nghênh đón nam tử đó, xem ra hai người rất thân quen.


Tiểu Kiều dừng lại ngay tại chỗ, đánh giá hai nam tử thăm hỏi nhau ở đó, tiếng cười không dứt, đúng là huynh đệ tốt.


"Thế Nguyên, cuối cùng cháu cũng về rồi hả! Tổ mẫu còn nói không biết có phải cháu muốn mọc rễ ở Đại Quận không nữa, mãi không thấy quay về!" Từ phu nhân trên sạp thấy có người đi tới, hình như cũng vui vẻ cười đùa.


Nam tử này tên là Ngụy Nghiễm, nghe Từ phu nhân nói vậy, hắn buông Ngụy Thiệu ra rồi đi tới trước sạp cười bảo: "Đại thọ sáu mươi của tổ mẫu, dù Thế Nguyên bị chặt đứt hai chân cũng phải bò về chứ."


Từ phu nhân cười lớn. Ngụy Nghiễm quỳ xuống ngay chỗ Tiểu Kiều vừa lạy, sau khi hành lễ với Từ phu nhân xong. Hắn đứng dậy, lúc này tầm mắt mới nhìn thấy Tiểu Kiều, ngay sau đó hắn lại chuyển hướng cười nói với Ngụy Thiệu: "Nhị đệ, lúc ta còn ở Đại quận, nghe tin đệ đại hôn. Chẳng lẽ vị này là. . ."


Hắn dừng một chút, nhìn Tiểu Kiều.


Ngụy Thiệu trở lại đứng bên cạnh Tiểu Kiều, cười nói: "Đúng vậy." Nói xong hắn nhìn Tiểu Kiều rồi bảo: "Đây là biểu huynh của ta, trước kia huynh ấy vẫn lĩnh binh ở Đại quận, lớn hơn ta vài tuổi, ta luôn luôn xem huynh ấy như huynh ruột. Nàng cứ gọi đại bá là được rồi."


Tiểu Kiều nhìn Ngụy Nghiễm một chút, thấy hắn đứng trước mặt đầy ý cười niềm nở, ánh mắt nhìn mặt mình chăm chú, không nhìn thấy bất thường một chút nào. Nhớ tới chuyện ban sáng vô tình gặp ở ngoài, không biết tại sao trong lòng nàng vẫn thấy hơi khó chịu. Tiểu Kiều không thể hiện ra mặt, mỉm cười hành lễ với hắn theo Ngụy Thiệu: "Đại bá" .


Ngụy Nghiễm hơi đáp lễ, tiếp tục nói chuyện với Ngụy Thiệu như cũ, hai người qua lại mấy câu rồi cùng cáo từ Từ phu nhân. Đoạn đường đi ra đều sóng vai đồng hành, không biết huynh đệ nhà họ đang nói tới chuyện gì, tiếng cười giòn tan. Tiểu Kiều đi theo sau không gần không cách, đi thẳng đến ngã ba trở về khu nhà phía Tây thì ngừng lại, Ngụy Nghiễm nói: "Nhị đệ, đệ và ta lâu rồi không gặp nhau, hôm nay cuối cùng mới có dịp gặp gỡ, há có thể không uống rượu thế này? Mình cùng uống một ly, được không?"


Ngụy Thiệu hơi chần chờ, ngay sau đó hắn vội vàng cười nói: "Đúng hợp ý ta."


Ngụy Nghiễm ha ha cười to: "Đệ không nỡ để em dâu mới cưới như hoa như ngọc ở một mình chứ gì? Hiếm thấy hôm nay đang vui vẻ, ta cũng không để ý đệ như thế này đâu. Uống cho thoải mái đã!" Nói xong hắn vừa nhìn về phía Tiểu Kiều: "Em dâu, đã lâu rồi ta và Trọng Lân không găp mặt, ta đưa Trọng Lân đi uống mấy ly nhé. Em dâu yên tâm, tuyệt đối không để đến nỗi không về được. Muộn chút nữa ta sẽ đưa hắn về trả lại cho muội."


Tiểu Kiều hơi lúng túng, nàng liếc nhìn Ngụy Thiệu một cái, hắn đứng nơi đó cũng không thấy nhìn mình, hình như vẻ mặt còn hơi cứng.


"Đại bá nói đùa rồi, hai người cứ tự nhiên." Tiểu Kiều đáp lại.


"Em dâu không trách là được rồi. Trọng Lân, đi thôi!"


Ngụy Thiệu cười cười đi theo Ngụy Nghiễm tới cái đình phía trước, bỗng nhiên hắn quay đầu liếc mắt nhìn Tiểu Kiều.


Tiểu Kiều đã xoay người đi về khu nhà Tây.


. . .


Đã trễ lắm rồi mà Ngụy Thiệu vẫn chưa thấy quay về.


Hắn chưa về đương nhiên Tiểu Kiều không thể đi ngủ trước, chỉ có thể ngồi chờ như vậy. Dưới ánh đèn mờ, nàng chống cằm suy nghĩ về người và sự kiện vừa trải qua lúc sáng.


Ngụy Nghiễm khiến nàng rất ấn tượng. Chưa nói tới cái khác, chỉ riêng dòng họ thôi đã làm người ta khó hiểu rồi.


Nếu là biểu huynh đệ của Ngụy Thiệu, tại sao hắn cũng là họ Ngụy?


. . .


Sau này Tiểu Kiều mới được biết về thân thế của Ngụy Nhiễm, đúng là rối rắm và tối tăm.


Ngụy Thiệu từng có một cô nhỏ tên là Thanh Vân, là con gái ruột của Từ phu nhân. Ba mươi năm trước, bởi vì một lần bất trắc, nàng bị một nam tử Hung Nô có địa vị khá cao bắt đi ở Biên Thành. Mãi đến ba năm sau, phụ thân Ngụy Thiệu mới cứu muội muội quay về được. Nhưng sau khi trở lại mới biết nàng đã có bầu năm sáu tháng. Người nhà muốn cô nhỏ phá cái thai đó đi, nhưng mà cô cô không đồng ý, còn lấy cái chết ra uy hiếp. Cuối cùng Từ phu nhân không thể làm gì khác là chiều theo ý nàng, không ngờ tới lúc sinh con, nàng lại bất hạnh băng huyết đến qua đời.


Từ phu nhân hết sức thương yêu tiểu nữ nhi của mình, đau lòng khi mất đi ái nữ, thế nên bà càng thương yêu cốt nhục mà đứa con để lại.


Người thời đó có thể chấp nhận một nữ tử người Hán đã từng bị người Hồ bắt đi, nhưng không có nghĩa họ cũng có thể đối xử như vậy với một đứa trẻ có huyết thống người Hồ. Đương nhiên Từ phu nhân lại càng không muốn đưa nó đến Hung Nô, cân nhắc ngược xuôi, bà quyết định cho đứa bé này mang họ mẹ, một tay mình nuôi nấng nó lớn lên, với người bên ngoài, bà chỉ nói cha của hắn từng ở rể Ngụy gia, đã chết rồi.


Câu chuyện cũ này rất ít người được biết, Từ phu nhân cũng chưa từng đề cập nó với Ngụy Nghiễm nửa câu.