Phục Hy thị
Trú lại Thiên Sơn, Tổ tiên ta đã có được một chỗ ở ổn định, không còn bị các bộ lạc khác uy hiếp.

Thế nhưng, khó khăn lại đến.

Thời Thái Cổ, nhân loại sống bằng hái lượm và săn bắn.

Mà Thiên Sơn điều kiện khắc nghiệt, khắp nơi tuyết phủ, cây cối cao vút, toàn là những loại cây không có trái cho con người ăn được.

Thú thì cũng có, nhưng cũng chẳng có bao nhiêu.

Săn bắn chẳng đủ ăn.


Đôi khi quá đói, phải hái cả lá cây ăn, khổ biết dường nào.
Một ngày kia, một nhóm tộc nhân đi săn, gặp một con thú, vừa phóng lao vừa truy đuổi, cuối cùng cũng bắt được.

Con thú này bị thương khá nặng, nhưng vẫn chưa chết.

Tộc nhân khiêng nó về.

Lúc đó thì một nhóm tộc nhân khác cũng may mắn săn được thú, nhưng đã chết.

Trưởng lão của bộ lạc bảo trước tiên hãy xẻ thịt con thú đã chết, còn con thú sống giữ lại dành cho lúc khác.

Trưởng lão còn bảo tộc nhân chăm sóc vết thương cho nó, bởi thú chết thì thịt không thể giữ lâu bằng thú sống.


Thế là con thú đó sống cùng bộ lạc, dành cho lúc bộ lạc không tìm được thức ăn.
Cho đến một hôm, con thú kia bỗng trở dạ, rồi sinh được một bầy con.

Nó đã có thai trước khi bị bắt.

Tộc nhân vui như mở hội, cùng nhau chăm sóc nó.

Trưởng lão có một quyết định trọng đại : từ nay tộc nhân khi đi săn phải cố gắng bắt sống thú, mang về nuôi.

Con thú được nuôi đầu tiên đó gọi là Hy (một loài thú thời cổ), được tộc nhân xem là linh vật, dùng cho các dịp tế lễ.

Bộ lạc từ đó còn gọi là Phục Hy.

Người Hán gọi là Thái Hạo.
Chú : Theo sử cũ, Phục Hy là tổ tiên chung của người Kinh và người Hán, nhưng cách gọi tên khác nhau.

Tộc trưởng đều gọi là Phục Hy, nhưng tên bộ lạc người Kinh gọi là Phục Hy tộc hay Phục Hy thị, còn người Hán gọi là Thái Hạo tộc, Phong thị (họ Phong, là tôn tộc của Thái Hạo tộc)