Bà Tám cùng với chồng, nhà ở ngay trong khu nghĩa địa Gò Dâu... Sở dĩ gọi nghĩa địa Gò Dâu là vì ở ngay chính giữa con đường xuyên qua các ngôi chợ, có một cây dâu rất to. Người ta bảo cây dâu này rất nhiều ma quỉ. Đêm nào các linh hồn cũng tự tập ở đó trò chuyện, hát hò, nhảy múa...

Đối với người lạ thì họ khiếp vía, còn với bà Tám, chuyện gặp ma quỉ là thường nhật. Thậm chí có khi bà thấy ma cả ban ngày.

Bà Tám năm nay bốn mươi tuổi, người gầy gò, khô đét da đen sạm. Chồng bà, ông Túc cũng vậy.

Nếu ai gặp hai vợ chồng bà Tám lúc chạng vạng cũng chết khiếp, vì nhìn họ đâu khác gì ma quỉ. Bà Tám làm nhiệm vụ quét dọn các bia mộ, mà ở nghĩa địa có cả ngàn ngôi mộ, nên thu nhập của bà cũng đủ sống.

Chồng bà làm nghề đào huyệt. Hai vợ chồng sống nhờ vào người chết. Ai lên thăm mộ, cũng nhờ bà quét dọn, rồi cho bà tiền. Cho bà nhiêu, bà nhận lấy ngay. Vì bà bảo chuyện linh thiêng, không nên đòi hỏi. Bà đã thờ ma, thì ma cũng phù hộ cho bà...

Chuyện bà Tám lấy ông chồng - ông Túc cũng là chuyện ly kỳ, bí hiểm. Ông Túc lên nghĩa địa này trước bà Tám. Một đêm, sau khi đào huyệt cho một người đến thuê xong, ông cùng bạn bè nhậu say bí tỉ. Ngủ luôn cạnh huyệt... Nửa đêm, thấy trời lạnh, ông đi tiểu bất ngờ giẫm phải một cái xác. ông Túc đã quá quen với cảnh huyệt mộ ở nghĩa địa, nhưng sao lần ấy tự nhiên run bần bật. Hình như cái xác đó là một phụ nữ.

Ông run rẩy, soi đèn pin, và rờ mũi, thấy cái xác đó vẫn còn nóng. Ông thở phào nhẹ nhõm. Thì ra người con gái đó chưa chết, ông bế cô ta vào nhà. Gọi là nhà, nhưng xập xệ lắm, chỉ có tường gạch, mái tôn. Nhưng cũng đủ che cơn lạnh, gió rét đêm nghĩa địa. Ông đổ ly rượu vào miệng cô gái. Lát sau, cô ta tỉnh dậy, mở mắt ra, lờ đờ nói:

- Sao tôi lại ở đây? Tôi đã chết rồi kia mà?

Ông Túc dịu dàng:

- Cô chưa chết dâu, cũng may là tôi cứu kịp.

Cô gái bần thần:

- Ông cứu tôi làm gì, cứ để tôi chết cho xong! Tôi không muốn sống nữa.

Ông Túc cười:

- Chết thì dễ, chứ sống mới khó. Cô còn trẻ thế, sao mà đã đòi chết. Đến con kiến, cây cỏ còn ham sống huống chi là con người. Thế cô từ đâu đến, cô tên gì?

Cô gái nức nở:

- Em là Tám, ở quê lên, đi bán vé số, bị giật hết cả tiền, nên chui vào nghĩa địa ngủ, mong quên đi tất cả. Nếu em về, không có tiền nộp, ông chủ sẽ bắt phạt quì đánh đập.


Ông Túc thở dài:

- Thì ra là vậy! Thôi, cô ở tạm lại đây với tôi ít hôm, rồi tôi sẽ cho tiền cô nộp cho ông chủ.

Cô gái cảm động, chắp tay vái tạ:

- Đa tạ ân nhân, suốt đời em không quên được nghĩa cử tốt đẹp của ông.

Ông Túc xua tay:

- Ân nghĩa gì, chúng ta cùng là người nghèo khổ cả! Không giúp nhau thì giúp ai? Mà cô hay bị chủ đánh đập lắm hả?

Tám rơi nước mắt:

- Vâng, hình như ngày nào cũng bị ông ta phạt quì vì em bán không đủ số ông ấy yêu cầu. Rồi còn nhịn đói nữa. Ông ta về quê đưa tụi em ra đây để bán vé số, ăn xin... Ai cũng sợ ông ấy. Có lần ông ấy lột truồng em ra bắt quì giữa nắng, bạn bè cùng chung nhà trọ van xin, ông ấy không tha, chỉ đến khi em ngất xỉu đi, lũ bạn đưa vào nhà, ông ấy mới tha cho...

Ông Túc chép miệng:

- Tội nghiệp cho cô quá. Ông chủ cô coi cô như là nô lệ vậy! Thế số tiền mất nhiều không?

Tám thẩn thờ:

- Dạ, chừng triệu bạc. Đó là số tiền lớn với em, ông ạ. Em sợ ông chủ sẽ truy tìm em, và đánh đập em. Chắc em chết mất...

Ông Túc cười:

- Tưởng nhiều, chứ số đó để tôi lo cho. Tôi mới được trả tiền công hôm nay, đủ số tiền cho cô đem về. Bao giờ cô có, trả cho tôi cũng được...

Tám vui mừng:


- Cảm ơn ông, ông tốt quá, xin ông nhận ở con một lạy.

Tám quì xuống trước mặt ông Túc, vái lạy. Ông Túc đỡ dậy, ôn tồn:

- Đừng làm vậy mà Tám. Cô làm tôi áy náy.

Thân thể Tám ngã vào vòng tay ông Túc, khiến ông rạo rực. Đúng là lần đầu tiên, ông tiếp xúc với đàn bà vì có ai dám gần ông đâu - một người gần xác chết còn nhiều hơn là người sống. Tám ôm ghì lấy ông, hôn lên má ông, khiến Túc không cưỡng lại được.

Đêm đó, ông Túc biết được thế nào là cảm giác tuyệt vời của hạnh phúc. Bề ngoài lam lũ của Tám không giấu được thân thể nõn nà bên trong, bộ ngực căng tròn, cặp đùi chắc nịch. Tám thổn thức:

- Ân nhân, xin ân nhân cho em ở lại đây với ông, em tình nguyện làm nô lệ cho ông...

Ông Túc rưng rưng:

- Em đừng nói vậy, ta chỉ cần một người vợ. Em có bằng lòng làm vợ ta không?

Tám dịu dàng:

- Vâng, em đồng ý! Mà em đã là vợ của anh rồi còn gì, em mãi yêu anh, hầu hạ anh...

Ông Túc cười:

- Ta nghèo lắm, nhà ở trong khu nghĩa địa, mọi người xa lánh ta, con gái coi ta như ma quỉ...

Tám sôi nổi:

- Anh là người tốt hiếm có, tấm lòng anh nhân hậu. Anh đã cứu sống em, lại giúp đỡ em. Bọn nhà giàu chúng nó độc ác lắm. Chúng coi đồng bạc như bánh xe lửa... Số em ngỡ thành ma quỉ, ngờ đâu được anh cứu vớt. Từ nay, em sẽ ở bên anh, no đói có nhau...


Ông Túc ôm Tám vào lòng, trìu mến. Và ông yêu Tám thêm lần nữa. Sáng hôm sau, ông dặn Tám ở nhà rồi mang tiền đến chỗ chủ trọ, trả tiền vé số, và cả tiền chuộc Tám ra khỏi chỗ khốn khổ. Ông chủ của Tám đưa tờ giấy ra cho ông Túc rồi cười nhạt:

- Ông là ai mà tốt thế? Nhìn ông, tôi cứ ngỡ là ma quỉ. Con Tám nó gặp ông, kể cũng tốt số đấy. Tôi đang truy lùng nó, nếu gặp nó, tôi sẽ trói gô cổ lại... Mà thôi mọi chuyện đã xong, ông cứ yên tâm ra về, cho tôi gửi lời thăm nó.

Ông Túc cầm tờ giấy ra về, đưa cho Tám. Tám mừng húm:

- Thế là em thoát khỏi cảnh nô lệ rồi. Anh ơi, em mừng quá.

Ông Túc tò mò:

- Tờ giấy đó viết gì hả em?

Tám hỏi lại:

- Anh chưa đọc à? Đó là tờ giấy bán thân làm nô lệ của em cho ông chủ. Nay em đốt nó đi, coi như giải thoát đời mình.

Ông Túc hồ hởi:

- Vậy thì đốt nó đi, để lại làm gì? Nó chỉ làm em thêm nhức nhối đau khổ...

Tám đốt tờ giấy, rồi ôm cổ ông Túc, hôn nồng nàn:

- Từ nay em thoát khỏi cảnh làm nô lệ rồi! Em vui lắm.

Ông Túc âu yếm:

- Thì lại là nô lệ cho anh chứ sao?

Bà Tám lỏn lẻn:

- Vâng, nếu anh muốn, thì em sẽ là nô lệ của anh, còn sướng hơn trên kia đấy...

Hai vợ chồng cùng cười vui vẻ. Cuộc sống của họ tràn ngập hạnh phúc. Căn nhà tồi tàn khu nghĩa địa trở thành điểm tựa của tình yêu của hai người cùng khổ. Họ ở với nhau thấm thoát đã mười năm, và có với nhau hai mặt con. Ông Túc vẫn bốc mộ, đào huyệt, bà Tám quét rửa mộ... Đó là công việc hàng ngày của họ.

*


* *

Khu nghĩa địa ngày nào cũng có người chết, nhiều ngôi mộ chưa kịp xanh cỏ, đã thấy các mộ khác mọc lên. Thậm chí có ngôi không để lại bia đá gì cả...

Nhiều ngôi mộ còn chôn lúc ban đêm, có lẽ chủ nhân của ngôi mộ đó là chết bất đắc kỳ tử, hoặc bị ma rừng bắt, hoặc nhiều lý do, mà chỉ có người chết mới biết được. Mà người chết thì không thể nói...

Một đêm, trời mưa tầm tã. Miền núi, mưa rất dai và lâu. Bà Tám chợt thức chồng dậy, ông Túc ngạc nhiên:

- Có việc gì thế em, sao em không ngủ?

Bà Tám run run:

- Anh à, em nghe có tiếng khóc rên rỉ ở đâu trong khu nghĩa địa.

Ông Túc cười:

- Ôi dào, tưởng chuyện gì, chuyện ma quỉ ở nghĩa địa là thường, nghĩa địa nào mà chả có ma? Mà anh có nghe thấy gì đâu?

Bà Tám im lặng, rồi bấu chặt tay chồng:

- Đó anh có nghe thấy không, tiếng khóc nức nở, y như người khóc, chứ không phải hồn ma.

Ông Túc lắng nghe, rồi gật đầu:

- Ừ đúng là có tiếng khóc, hình như ở phía mấy ngôi mộ vô danh dưới chân núi. Anh nghĩ đó là tiếng ma khóc hờn mà thôi.

Bà Tám thẩn thờ:

- Nhỡ khi có người nào đó cơ nhỡ, họ đến khu nghĩa địa thì sao? Như mười năm trước, anh đã gặp em. Nếu không có anh, có lẽ em đã chết rồi, đâu còn là vợ của anh nữa. Em linh cảm thấy có điều gì đó...

Ông Túc chép miệng:

- Để anh ra thử xem sao? Nhỡ không phải người thì sao nhỉ?