“Trường thành ngăn ải hoài nuôi chí,
Nghìn năm ai dễ sánh vai nào.”
Tây An Thành.
Tây An nguyên là cố đô của nhiều triều đại. Bắt đầu từ thời Tây Chu là đất Hạo Kinh. Các triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyên gọi là Trường An. Đến thời Minh cải thành Tây An. Đây là đất cố đô, lại là điểm phía đông của “con đường tơ lụa” nổi tiếng, nên rất phồn hoa đô hội.
Nói về “con đường tơ lụa”, đó là một con đường huyền thoại nối liền đất Trung Hoa rộng lớn với vùng tây phương kỳ bí, nó gắn liền với hàng nghìn câu chuyện truyền thuyết xa xưa. Không đơn thuần chỉ là huyết mạch thông thương buôn bán của những “thương nhân lạc đà”, “con đường tơ lụa” còn là một hành trình văn hóa, tôn giáo đa dạng. Thời kỳ đầu, những bậc đế vương và những nhà quý tộc La Mã thích tơ lụa Trung Hoa đến mức họ cho cân tơ lụa và đổi chỗ tơ lụa đó bằng vàng với trọng lượng tương đương. Chuyện cũng nói rằng Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra thời ấy chỉ thích diện y phục bằng tơ lụa mà thôi. Và thành Constantinople là điểm phía tây của “con đường tơ lụa”, nên cũng rất phồn vinh thịnh vượng.
Tây An là nơi các thương gia Trung Hoa tập kết hàng hóa, tơ lụa để chuẩn bị cho những chuyến buôn bán lớn qua “con đường tơ lụa”. Lạc đà là phương tiện vận chuyển chủ yếu trên con đường thương mại này. Trải qua hơn nghìn năm, “con đường tơ lụa” vẫn được xem là một hệ thống những con đường thương mại lớn nhất thế giới, và nó còn được xem như cầu nối giữa hai nền văn minh Đông và Tây.
Sau sự sụp đổ của nhà Nguyên, “con đường tơ lụa” phần nào đã bị đình trệ. Bạch Thiếu Huy ở lại Tây An chỉ đạo việc khôi phục con đường có thể xưng là “hoàng kim thương lộ” này. Mỗi chuyến đi thành công, có thể mang lại lợi nhuận gấp trăm lần, là một nguồn thu nhập rất đáng kể mà Bạch Thiếu Huy không thể bỏ qua.
Hiện tại, thông qua Hoạt Tài Thần Gia Cát Ngọc, cùng với Bạch Giao Bang, Bài Giáo và Miêu Cương, Bạch Thiếu Huy đã nắm được nguồn cung cấp thương phẩm chủ yếu cho “con đường tơ lụa” là tơ lụa ở Giang Chiết, gốm sứ ở Giang Tây, trà diệp ở Hồ Quảng và Vân Quý. Còn về bản thân “con đường tơ lụa”, nửa phía đông cũng nằm trong phạm vi thế lực của Bạch Thiếu Huy. Từ Tây An đến Lan Châu là địa bàn của Kim Thượng Quan, tiền Thiểm Tây Tổng đốc (đã truyền vị lại cho con là Kim Vân Phi). Qua khỏi Lan Châu là đến địa bàn của Thiên Hỏa giáo. Hiện tại, Thiên Hỏa giáo chỉ mới kiểm soát được một phần của Tây Vực, phía đông kiểm soát Tây Ngoại Mông, phía đông nam giáp Lan Châu, phía nam giáp Tây Tạng, và phía tây đến bắc Thiên Trúc. Bạch Thiếu Huy quyết định tập trung toàn lực vũ trang cho Thiên Hỏa giáo, để mở mang địa bàn đến tận biên giới Ba Tư. Còn từ Ba Tư về phía tây, sau đó sẽ tính tiếp.
Đến khi biểu chương của Lữ Gia gửi về, Bạch Thiếu Huy biết được tình hình các xứ Ba Tư, nên việc vũ trang cho Thiên Hỏa giáo càng được tăng cường hơn nữa. Hãn quốc Sát Hợp Đài (Chagotai Khanate) là một cường quốc phương tây. Thiếp Mộc Nhi Hãn (Timur Khan) đã từng đánh bại quân đội Ottoman, bắt sống Hoàng đế nước đó (thời Trung Cổ, quân đội Ottoman là hiểm họa của các nước Âu Châu, nhiệm vụ chủ yếu của Hoàng đế Thần Thánh là đoàn kết các nước Âu châu chống lại sự xâm lấn của quân đội Ottoman). Lực lượng của Thiên Hỏa giáo cần phải được tăng cường để có thể uy hiếp Hãn quốc Sát Hợp Đài và Thiếp Mộc Nhi Hãn.
Bạch Thiếu Huy đã huy động ba nghìn cao thủ nhất lưu cử đến hỗ trợ Thiên Hỏa giáo. Tam đại Tài Thần là Kim Tài Thần ở Thiểm Tây, Đường Tài Thần ở Tứ Xuyên và Gia Cát Tài Thần ở Giang Nam cũng vận lương hướng đến hỗ trợ. Thiên Hỏa giáo chủ Giang Trọng Hùng nhờ đó đã chinh tập được đại lượng binh mã, gồm 10 vạn kỵ binh Mông Cổ, 10 vạn kỵ binh Hồi tộc, 10 vạn kỵ binh Duy Ngô Nhĩ, 5 vạn kỵ binh Hán tộc và kỵ binh Cáp Tát Khắc, Tháp Cát Khắc, Kha Nhĩ Khắc Tư, Táp Lạp, Ô Tư Biệt Khắc mỗi tộc 1 vạn. Tổng số là 40 vạn. Đó là quân thường trực, còn khi cần thì có thể động viên bách vạn kỵ binh, bởi vì trừ Hán tộc, các dân tộc kia đều quen sống trên lưng ngựa, toàn dân giai binh.
Sau đó, theo lệnh của Bạch Thiếu Huy, Giang Trọng Hùng đã cử đại quân tây chinh. Cuộc chinh phạt kéo dài hơn một năm, diệt quốc vô số (toàn là tiểu quốc ở Tây Vực). Đại quân tràn vào Transoxiana, bao vây Samarkand, áp sát biên giới Ba Tư. Thiếp Mộc Nhi Hãn vội vã điều quân đội từ phía tây đến tăng viện. Đã có hơn 50 vạn quân được huy động đến cứu viện Samarkand, nhưng trong số đó chỉ có 12 vạn quân tinh nhuệ (còn lại sau trận Angora đánh bại quân Ottoman), với 1 vạn rưỡi kỵ binh và 10 vạn rưỡi bộ binh. Còn lại 40 vạn đều là tân binh mới chinh tập, thiếu huấn luyện. Kết quả, quân ngụy – Mông Cổ của Thiếp Mộc Nhi Hãn (ông ta tuy là con rể của gia đình Thành Cát Tư Hãn, làm Hãn của Hãn quốc Sát Hợp Đài, nhưng trong quân đội chẳng có mấy người Mông Cổ và đa số là bộ binh) đã phải bại trận trước quân Mông Cổ chân chính. Lấy 40 vạn kỵ binh đánh nhau với 50 vạn bộ binh, trừ khi tướng lĩnh quá tệ, nếu không khó mà thua được.
Sau trận Samarkand, Hãn quốc Sát Hợp Đài mất vùng đất Transoxiana, đành phải lui về giữ đất Ba Tư. Thiếp Mộc Nhi Hãn sai sứ sang xin triều cống và cầu hòa. Dù gì thì quân đội Thiên Hỏa giáo cũng đến từ thảo nguyên Mông Cổ, là quân Mông Cổ chân chính. Hãn quốc Sát Hợp Đài trước giờ trên danh nghĩa vẫn là chư hầu của người Mông Cổ.
Thế là “con đường tơ lụa” đã được thông đến bán đảo Tiểu Á. Bạch Thiếu Huy hài lòng cho đình chiến sự. Địa bàn của Thiên Hỏa giáo được mở rộng đến tận biên giới Ba Tư. Thiên Hỏa giáo kiểm soát “hoàng kim thương lộ” là “con đường tơ lụa”, cùng với Bạch Giao Bang kiểm soát “con đường tơ lụa trên biển”, đều trở thành những thế lực hùng mạnh nhất trong số Bát Phương Bá chủ. Trường Thanh Cung kiến lập, làm Tổng đàn của Thiên Hỏa giáo.
Sau khi tình hình đã ổn định, Bạch Thiếu Huy triệu tập long đầu thủ lĩnh các đại thế lực dưới trướng, chỉnh hợp lực lượng, phân phong địa bàn và giới định chức trách. Đế tránh rắc rối về ý thức với các vương triều, chàng đã thành lập “tu hành giới” để phân biệt với “phàm nhân giới” là những người bình thường. Tiêu chuẩn để xác định ai đó có thuộc “tu hành giới” hay không là đạo hạnh, tức công phu tu vi. Nếu như tu vi đạt từ một giáp tử (tức 60 năm) trở lên, là được xem như thuộc “tu hành giới”. Dưới đó là “phàm nhân giới”, gồm cả võ lâm. Trong “tu hành giới” lại phân chia làm Vũ Nội và Thế Ngoại. Có trên hai giáp tử tu vi thì được xem là Thế Ngoại Kỳ Nhân, dưới đó là Vũ Nội Cao Nhân. Vị Kỳ Nhân danh tiếng lẫy lừng khắp thiên hạ chính là Trương Tam Phong của phái Võ Đang, được các đế vương vô cùng sùng bái, đặc biệt là Chu Nguyên Chương và Chu Lệ.
Trương Tam Phong có đạo hiệu là Huyền Huyền Tử, sinh năm 1247 tại Liêu Ninh vào cuối thời Nam Tống (thời đó Liêu Ninh thuộc đất Kim). Ông sống qua suốt thời Nguyên, cho đến đời Hoàng đế thứ tám của Minh triều là Thiên Thuận đế (Minh Anh Tông Chu Kỳ Trấn lên ngôi lần thứ hai sau khi em là Minh Đại Tông Chu Kỳ Ngọc qua đời), vào năm 1458 mới qua đời. Đương nhiên lúc này mới vào năm Vĩnh Lạc thứ hai (1403), Trương Chân Nhân vẫn còn ẩn tu ở đâu đó tránh mặt người đời (chủ yếu là tránh mặt Hoàng đế, vì thường xuyên bị Hoàng đế triệu mời). Trương Chân Nhân lúc này đã 157 tuổi, có hơn hai giáp tử tu vi, thực sự là một Đại Kỳ Nhân. Ngoài ra, Linh Huyền Tử của Huyền Đô Bát Cảnh Cung tuy chỉ mới gần trăm tuổi, nhưng vì được Bạch Thiếu Huy ban cho linh đan diệu dược, nên cũng có tu vi trên hai giáp tử, và cũng là một Đại Kỳ Nhân nổi tiếng. Địa vị của Huyền Đô Bát Cảnh Cung cao hơn phái Võ Đang nhiều, đạo quán có khắp cõi Trung Nguyên, nên danh tiếng của Linh Huyền Tử đang có phần lần lướt Huyền Huyền Tử. Cả hai đều là đại diện cho hai hệ phái chính của Đạo giáo là Chính Nhất giáo và Toàn Chân giáo. Chính Nhất giáo chủ yếu gồm Thiên Sư giáo, Mao Sơn phái và gần đây có thêm Huyền Đô Bát Cảnh Cung; chuyên luyện đan và phù chú, đạo sĩ có thể cưới vợ. Còn Toàn Chân giáo gồm có ba phái lớn là Toàn Chân, Võ Đang và Hoa Sơn; chuyên luyện nội đan (tức luyện chân nguyên nội công), chay tịnh, ẩn cư tu hành. Vì Chính Nhất giáo tiếp xúc nhiều với bách tính, nên ảnh hưởng và danh tiếng cũng lớn hơn Toàn Chân giáo nhiều.
Tóm lại, phổ thông nhân và võ lâm trung nhân được xếp vào nhóm “phàm nhân giới”, còn Vũ Nội Cao Nhân và Thế Ngoại Kỳ Nhân được xếp vào nhóm “tu hành giới”. Người có đạo hạnh càng cao thâm thì tuổi thọ cũng càng cao, và thậm chí còn có thể trường sinh bất lão (trú nhan thuật) hoặc cải lão hoàn đồng (như Lão Ngoan Đồng Chu Bá Thông chẳng hạn), do đó có thể được gọi là bán tiên, chân tiên. Chính Trương Tam Phong vẫn được Vĩnh Lạc đế tôn xưng là chân tiên, nhiều lần thỉnh về cung giảng đạo (nhưng bị từ chối).
Tiếp đó là định thứ bậc.
Cao nhất là đương nhiên là Bạch Thiếu Huy. Chàng có tu vi cực kỳ cao thâm, không sao lường được. Từ ngay trước khi xuất cung, chàng đã có gần bốn giáp tử tu vi (bản thân tu luyện và lão cung chủ truyền cho), sau đó nhiều lần bế quan luyện công, nhiều lần phục dụng kỳ trân dị bảo, linh đan thánh dược, thành ra tu vi thành bội tăng trường, công lực thâm hậu vô kể, dung mạo cũng giữ mãi ở tuổi đôi mươi, là diện mạo lý tưởng nhất đối với chàng. Do đó, chàng không chỉ là Kỳ Nhân, không chỉ là Thần, mà là Thiên. Minh đế có thể xưng là Thiên Tử, thì chàng được chúng thủ hạ tôn là Thiên cũng không có gì quá đáng. Minh đế chỉ đứng đầu “phàm nhân giới”, còn chàng đứng đầu “tu hành giới”, đương nhiên đẳng cấp cao hơn. Tôn hiệu của chàng là Đại Thiên Tôn Cửu Thiên Huyền Linh Cao Thượng Đế (Ngọc Hoàng Thượng Đế có tôn hiệu là Đại Thiên Tôn Huyền Khung Cao Thượng Đế, ý nói cai trị bầu trời; còn Bạch Thiếu Huy cai trị Cửu Thiên, tức chín phương trời).
Phụ tá chàng có Tam Thiên Thánh Đế và Tứ Hải Quân Chủ. Tam thiên chính là Tiên Thiên, Hậu Thiên và Thượng Thiên do Cửu U Diêm Quân, Ngạo Thiên Đế Quân và Bách Độc Chân Quân chia nhau cai quản. Tứ Hải Quân chủ là Tuấn nhi, cũng là Thái tử.
Dưới nữa là Huyền Đô Quan chủ (Linh Huyền Thượng Nhân) và Bát Phương Bá chủ, gồm Đông Phương Bá Chủ (Thiên Nhất Giáo chủ Hà Long), Tây Phương Bá chủ (Bách Độc Giáo chủ Lỗ Trọng Hùng), Nam Phương Bá chủ (Bài giáo giáo chủ Dương Lâm), Bắc Phương Bá chủ (Tinh Hà Bang chủ Tiêu Kỳ Linh), Đông Hải Bá chủ (Bạch Giao Bang chủ Lữ Gia), Miêu Cương Bá chủ (Miêu Chúa Triển Quân), Đại Mạc Bá chủ (Thiên Hỏa giáo chủ Giang Trọng Hùng), Tây Tạng Bá chủ (Ban Thiền Hoạt Phật).
Rồi đến Cửu Thiên Đại Đế, cai trị chín cõi thiên hạ là Trung Nguyên (Minh đế), Đông Doanh (Thiên Hoàng), Tây Tạng (Đạt Lai), Đại Mạc (Đại Mạc Bá chủ kiêm lĩnh), Quan Ngoại (Bắc Nguyên đế), Thiên Trúc (Đại giáo sĩ của Bà La Môn giáo), Ba Tư (Miran Shah), Tây Vực (Pir Muhammad), Hồi địa (Hoàng đế Ottoman). Trong đó Miran Shah, Pir Muhammad, cùng với Khalil Sultan đều xưng là người kế vị của Timur, do đó Hãn quốc Sát Hợp Đài tan rã.
Từ đây, bát phương phẳng lặng, thiên hạ thái bình. Dưới sự cai quản của Tam Thiên Thánh Đế, “phàm nhân giới” yên bình được một thời gian. Bạch Thiếu Huy yên tâm tu luyện và dạy dỗ Tuấn nhi. Tuy vậy, người võ lâm không sao yên phận được. Bình tĩnh được ít lâu, võ lâm lại bắt đầu nổi sóng.
Hết
Thiên Hạ Truyền Kỳ