“Tiểu nhị, dâng trà!”

Đầu xuân, hoa đào nở rộ khắp miền Giang Lưu. Ngoài thành có một quán trà, quán chỉ vừa mở cửa đã có nhóm sáu vị khách ghé. Không rõ danh tính sáu người này ra sao, thoạt trông như trai gái giang hồ, song phong thái không hề tầm thường.

Chủ quán nào dám sơ suất, tự tay xách ấm trà vừa lo bưng trà tiếp khách, vừa hỏi: “Nghe giọng các vị, phải chăng từ kinh thành tới?”

Một tôi tớ có gương mặt thanh tú, mặc y phục màu trắng đáp: “Chủ tử nhà tôi là người Giang Lưu, ngày xưa từng ở trong kinh mấy năm.”

Sáu người này không ai khác, chính là nhóm chủ tớ Tạ Dung Dữ.

Thanh Duy nhìn quanh, nơi này nằm gần dịch trạm ngoài thành. Từ xưa vùng đất Giang Lưu đã trù phú, hằng ngày khi cổng thành vừa mở, đội buôn và dân chúng nườm nượp nối đuôi ra vào. Nhưng hiện tại đã là giờ Thìn rồi, thế mà quán trà lại buôn bán rất ế ẩm, thậm chí ngoài thành cũng thưa bóng người đến lạ.

Thanh Duy cất giọng hồ nghi: “Ông chủ, ta nhớ trước kia nơi này tấp nập lắm mà?”

“Chắc khá lâu rồi các vị mới về đây nhỉ?” Chủ quán vắt tấm khăn lau bàn lên vai, “Dạo đây trong thành đang có trộm cướp hoành hành!”

“Trộm cướp?”

Vấn đề trị an ở Trung Châu luôn rất tốt, tới năm Gia Ninh còn được xưng là “đi đường không nhặt của rơi, tối khuya chẳng cần đóng cửa”. Quan phủ cũng trong sạch thanh liêm, Thôi quan đương nhiệm chính là đường huynh của Tạ Dung Dữ – Tạ Lang.

“Chứ sao, động tĩnh vụ này to đấy, lũ đạo tặc kia trộm chỗ nào không trộm, cứ chuyên môn nhằm các trường tư mà hành sự. Những món đồ được giá ở trường tư phía Đông thành bị cuỗm sạch, đại nhân ở nha phủ dẫn người đi truy lùng ngót mấy hôm, vậy mà vẫn chưa tra được manh mối nào.”

Nghe chủ quán nói thế, Tạ Dung Dữ và Thanh Duy lấy làm ngờ vực.

Tạ Lang làm quan có tiếng liêm khiết thanh bạch, cũng được đôi phần bản lĩnh, chẳng phải chỉ là án trộm cắp xoàng thôi sao, cớ gì vẫn chưa tìm ra manh mối? Thêm nữa, ở trường tư vốn có ít vật giá trị, vào ăn trộm dễ còn rùm beng hơn, thì vì sao đạo tặc lại cứ chọn nơi này?

Bấy giờ đang là năm Gia Ninh thứ chín. Năm ngoái Thanh Duy có đi cúng tế Tiển Khâm Đài, theo Nhạc Ngư Thất đến Thần Dương, đầu xuân năm nay nàng và Tạ Dung Dữ quay về Trung Châu ở một thời gian ngắn, ngờ đâu lại gặp phải chuyện thế này.

Thôi, nghĩ nhiều vô ích, cứ đợi họ về nhà hỏi Tạ Lang rồi hẵng tính tiếp.

Tạ phủ Trung Châu tọa lạc tại ngõ Trường Dương thành Giang Lưu. Từ năm Gia Ninh thứ năm đến năm Gia Ninh thứ tám, Thanh Duy đã theo chân Tạ Dung Dữ về đây hai lần.

Tạ gia nhân khẩu đơn sơ, dòng thứ trong nhà đã phân tán đi hết, ở nhà cũ ngoài Tạ lão phu nhân thì chỉ còn lại gia đình con cháu chi thứ hai, Tạ Lang là con thứ của chi này, thi đỗ tiến sĩ vào năm Chiêu Hóa thứ bảy, nhậm chức Thôi quan lục phẩm ở phủ thành Giang Lưu.

Xe ngựa đến Tạ phủ, trông thấy Thanh Duy và Tạ Dung Dữ, đứa hầu nhanh nhảu chạy tới chính đường thông báo.

Chốc lát sau, một bà lão tóc bạc phơ, mặt mũi hồng hào đi ra từ chính viện. 

“Tháng trước nhận được thư là ta đã mong ngày trông đêm, cuối cùng hai cháu cũng đã về.”

Tạ lão phụ nhân đã ngót bảy mươi tuổi mà xương cốt vẫn cứng cáp, cơ thể vẫn dẻo dai, ngặt nỗi đi đứng khó khăn.

Thanh Duy vội bước lên đỡ bà: “Tổ mẫu.”

Khỏi cần dặn dò, Đức Vinh lập tức sai tôi tớ chuyển hết rương hòm vào nhà. Tạ Dung Dữ và Thanh Duy cùng vấn an, đoạn đưa mắt nhìn quanh quất, hỏi: “Sao chẳng thấy ai ở nhà thế ạ?”

“Các cháu về nhanh quá, đám Tạ Tam nhi ra cửa hàng mất rồi, bên nha môn của đại ca cháu phát sinh chút chuyện, hôm qua chị dâu cháu lại đổ bệnh, giờ chắc đang nằm nghỉ, ta không cho người gọi nó dậy.” Nói đoạn, Tạ lão phu nhân ngắm kỹ Thanh Duy qua luồng sáng hắt, “Sao ta nom khí sắc Tiểu Dã kém hơn lần trước thế nhỉ?”

Tạ Dung Dữ nhìn sang Thanh Duy, “Lúc đi đường có nhờ đại phu khám rồi ạ, có lẽ do lên đường gấp gáp nhiều ngày liền nên bị mệt, thêm ảnh hưởng bởi vết thương cũ nên vậy, chỉ cần nghỉ ngơi đầy đủ là khỏe thôi.”

“Không có gì quá đáng ngại thì tốt rồi.” Gạt bỏ nỗi âu lo, Tạ lão phu nhân nở nụ cười, nói: “Nghe ta bảo, hay là các cháu ở lại Giang Lưu một khoảng thời gian đi.”

“Chúng cháu cũng nghĩ vậy đấy ạ.” Tạ Dung Dữ trả lời, đương chuẩn bị sai chưởng sự đi mời đại phu ở Bảo An Đường tới thì đột nhiên trong viện có một người rảo bước đi tới.

Người này diện áo váy sắc vàng tơ, hàng mi thanh mảnh và cặp mắt nhạt màu, chính là trưởng tẩu Ngô thị của Tạ Dung Dữ.

Mặt mày Ngô thị thấm đượm buồn rầu, vịn khung cửa lắp bắp cất tiếng gọi, “Dung Dữ, đệ muội, hai đứa về rồi à.” Trông vẻ có việc muốn cậy nhờ, thị cắn môi, sau cùng mới hạ quyết tâm, tiến về trước mấy bước, lúc nói chuyện lại toan quỳ sụp xuống, giọng nghẹn ngào: “Dung Dữ, lần này đại ca của đệ gặp rắc rối to rồi, xin đệ giúp chàng ấy!”

Thanh Duy đỡ lấy Ngô thị, “Đại tẩu chớ có vậy, đại ca có gặp phải chuyện phiền phức gì, tẩu cứ nói trước xem xem thế nào.”

Ngô thị rưng rưng đứng dậy, thị nhìn Tạ Dung Dữ, thấy y không phản đối mới cầm khăn tay chấm chấm hốc mắt, “Là… là một vụ trộm cắp ở trường tư.”

“… Ban đầu chỉ mỗi tư thục ở phố Lưu Xuân bị mất trộm, về sau các trường lân cận cũng gặp nạn cắp ấy. Số đồ bị mất tạp nham lắm, nào sách vở, nào ngọc chặn giấy, hình như có cả tập văn mà tụi học trò chép nữa. Đầu tháng hai này, bản sao Hành Vân Sách duy nhất của tiền triều được cất giữ trong hiệu sách Dương Hòa cũng biến mất, thế là chuyện rùm beng lên hết.”

“Đại ca của đệ đã lục soát nhiều ngày nhưng vẫn không tìm ra manh mối. Hôm qua tẩu đến nha môn đưa cơm cho đại ca đệ, nghe thấy phủ doãn quở mắng chàng ấy, trách chàng ấy không biết làm việc…”

“Mấy năm nay nhậm chức, đại ca đệ luôn làm việc cẩn trọng liêm chính, là vị quan tốt biết đối nhân xử thế được người người ngợi khen, có khi nào phải mang nỗi hàm oan thế này?”

Ngô thị nói rồi bắt đầu nấc nghẹn. Thị không nắm quá nhiều thông tin về vụ án, càng nói càng cảm xúc cứ tuôn trào; những vấn đề như “ban đầu án mất trộm xảy ra thế nào”, “thầy đồ của trường tư là ai”, “các trường bị mất đồ có liên quan gì với nhau” mà Tạ Dung Dữ hỏi, thị đều không biết gì.

May thay nói được nửa chừng, Tạ Lang đã về nhà. 

Vốn đang xử án ở nha môn, nghe tôi tớ trong nhà báo Tạ Dung Dữ đã về, Tạ Lang vội vã chạy về ngay.

Vừa vào nhà, thấy Ngô thị kể vụ án mất trộm cho Tạ Dung Dữ nghe, hắn cực kỳ khó chịu. Nhưng Tạ Lang lại ngẫm, trước đây danh tiếng của Tiểu Chiêu vương nổi khắp thiên hạ, quan phủ Giang Lưu ai ai cũng tôn kính, muốn giấu diếm y là chuyện bất khả thi. Nếu không muốn mối phiền hà ngày một bành trướng, chẳng thà cứ nói đúng sự thực, nếu Dung Dữ chịu giúp đỡ thì không còn gì tốt bằng.

Nghe Ngô thị ăn nói lộn xộn, Tạ Lang bèn tiếp lời: “Thầy đồ của trường tư tại phố Lưu Xuân họ Chu, là Cử nhân thời Hàm Hòa. Vì thời thế loạn lạc, ông ấy xin từ quan về quê dựng trường mở lớp. Ông ấy dạy giỏi lắm, các thầy ở trường tư Xuân Dương hay hiệu sách Dương Hòa đều là học trò nhà ông ấy. À chưa hết đâu, vài năm trước trong số học trò của ông ấy còn có người đỗ tiến sĩ, nên chi Chu lão tiên sinh cũng được hưởng tiếng thơm. Không biết là tên trộm nào có mắt không tròng, lại dám giở ngón trộm cắp ngay trên đất của Chu lão tiên sinh. Nếu không thì mọi chuyện đâu đã ầm ĩ đến nước này.”

Thanh Duy hỏi: “Ý đại ca bảo các trường tư bị mất trộm không phải của Chu lão tiên sinh, mà là của học trò ông ấy ư?”

Tạ Lang đáp: “Đúng thế.”

Thanh Duy lẩm nhẩm trong miệng, liệu tình hình thì nhẽ ra vụ án đâu không khó điều tra. Rành rành là lũ trộm cắp kia đang nhằm vào Chu lão tiên sinh, vậy bắt tay điều tra từ chỗ ông ấy là được mà?

Tạ Lang nhìn Thanh Duy, nói: “Ta biết đệ muội đang nghĩ điều gì, muội nghĩ có thể tra từ Chu lão tiên sinh đúng không? Phải đấy, ban đầu chúng ta cũng nghĩ vậy. Chu lão tiên sinh ở tại Giang Lưu đã lâu, bao năm nay chưa từng gây thù chuốc oán với ai. Nhắc tới họ hàng nhà ông ấy, hai đứa chắc chắn phải biết một người, ấy là Chu thị Khánh Minh.”

Chu thị Khánh Minh có công khai quốc, chi của Chu lão tiên sinh ở Giang Lưu là chi nhánh, mà mẫu thân Chu thị của Khúc Mậu chính là đích nữ tộc Khánh Minh.

“Tuy quan hệ thân thích giữa chi họ ở Giang Lưu và dòng tộc Khánh Minh có hơi xa, song muốn tra cuộc đời Chu lão tiên sinh thì cứ tra trên gia phả tộc Chu thị là biết ngay. Lại thêm mấy năm nay ông ấy dốc lòng dạy dỗ, mọi người ai cũng kính trọng, làm gì có ai căm hận ông ấy?”

Tạ Dung Dữ hỏi: “Huynh có sẵn hồ sơ vụ án đó không?”

“Có, Dung Dữ đệ muốn đọc thì huynh đến nha môn lấy về cho đệ đọc. Hồ sơ vụ án trộm đồ của Chu lão tiên sinh và học trò ông ấy đều ở trên bàn huynh.”

Nói hết câu, Tạ Lang than thở: “Nhắc tới mất trộm, vụ này kể ra cũng lạ, tên trộm kia quả cao tay, khi đến thần không biết, lúc đi quỷ chẳng hay, gần như không để lại vết tích gì. Huynh tốn bao nhiêu ngày tra xét mà cũng không tìm được manh mối có ích nào, thật là khốn đốn trăm bề!”

Vụ trộm cắp này sao mà rối ren quá, bất giác non nửa ngày trời đã trôi qua.

Dùng bữa xong, Tạ lão phu nhân đi nghỉ trưa. Ngày trước Tạ Dung Dữ từng làm việc trong triều, biết đem hồ sơ ở nha môn về nhà là không ổn, bèn quyết định theo Tạ Lang đến nha môn.

Y về phòng thay quần áo, trước khi ra ngoài, Thanh Duy gọi y lại: “Quan nhân, liệu chàng…”

“Không được.” Tạ Dung Dữ đứng trước cửa, mặt quay ngược sáng: “Có phải nàng thấy đạo tặc này hành sự kì quặc, muốn theo ta ra nha môn đọc hồ sơ, thử xem có giúp gì được cho ta không?”

Dứt lời, vẻ ưu sầu hiện lên giữa chân mày y: “Tiểu Dã à, sức khỏe xưa nay nàng chưa bao giờ yếu như lần này cả. Đại phu dặn rồi, nàng cần nghỉ ngơi điều độ, ta cũng đã phái người đi mời y sư ở Bảo An Đường tới, nàng hãy yên tâm ở nhà đợi. Nếu y sư xác nhận nàng không bị làm sao, lúc ấy giúp ta hẵng chưa muộn.”

Tạ Dung Dữ lo lắng là lẽ thường tình. Trên đường về Trung Châu, Thanh Duy ngất xỉu những mấy lần, lần nào tỉnh lại cũng toát mồ hôi lạnh khắp toàn thân, cơ thể yếu ớt suy nhược. Tạ Dung Dữ mời mấy đại phu thăm khám cho nàng, song vẫn không chẩn đoán ra bệnh, về sau nghe nói ngày xưa nàng từng bị thương nặng, bọn họ mới quả quyết phán rằng đây là hậu di chứng của vết thương cũ.

Tạ Dung Dữ rời đi, vốn Thanh Duy định nghe lời khuyên của y, an tâm đợi đại phu tới xem bệnh. Nhưng nằm giường, nàng càng nghĩ càng thấy có điều bất ổn. Khoan bàn đến điểm kì lạ trong vụ án này, chỉ riêng việc kẻ trộm không để lại bất cứ dấu tích nào sau khi hành động, làm Thanh Duy có cảm giác quen thuộc khó hiểu, tựa như đã từng nghe nói ở đâu.

Về đến Trung Châu, Thanh Duy tự thấy sức khỏe đã khởi sắc lên nhiều, không còn mệt mỏi rã rời, hơn nữa đâu phải cứ ở lỳ trong nhà thì mới là nghỉ ngơi, thi thoảng ra ngoài hóng gió, đi dạo đó đâycũng tốt cho sức khỏe.

Nghĩ vậy, Thanh Duy tránh bọn tôi tớ trong phủ, đi tới hậu viện. Tường ngoài hậu viện xây cao có đến mười thước, Thanh Duy lia mắt từ trên xuống dưới: Chỉ mỗi thế mà cũng đòi giữ được chân nàng?

***

Năm Gia Ninh thứ ba, Thanh Duy lên kinh dưới sự trợ giúp của Trương Viễn Tụ, khi ấy Trương Viễn Tụ đưa cho nàng một tờ danh sách, và bảo rằng nếu gặp trở ngại gì thì hãy tìm người có tên trong danh sách nhờ giúp, do lẽ đó nên Thanh Duy mới quen biết Du Thanh ở nha môn Trung Châu.

Về sau Trương Viễn Tụ phạm tội, nhưng triều đình nhân đức độ lượng, không trị tội liên đới của Du Thanh.

Du đại nhân này là người có tài thực thụ, trải qua bao thăng trầm chìm nổi, hiện giờ đã được thăng lên chức phủ thừa phủ Trung Châu.

Lần này Thanh Duy muốn đi tìm Du Thanh.

Tạ Dung Dữ không cho nàng theo ra nha môn xem hồ sơ, vậy nàng đi dạo vòng vòng ở mấy trường bị mất trộm thôi đã được chưa?

Nàng cũng có người quen ở Trung Châu đấy!

Sau khi biết mục đích đến của Thanh Duy, Du Thanh chỉ bảo việc này đơn giản, rồi sai tiểu quan của mình dẫn Thanh Duy ra trường, còn cố ý căn dặn không được làm phiền quan phủ Giang Lưu.

Các trường bị trộm đều nằm gần phố Lưu Xuân.

Tiểu quan nhận lệnh Du Thanh, đưa Thanh Duy đi kiểm tra từng trường một, hễ Thanh Duy sinh thắc mắc gì, nhất định sẽ đáp hết bằng điều mình biết.

Buổi trưa nhanh chóng trôi qua, Thanh Duy theo chân tiểu quan vào hiệu sách Dương Hòa.

Tiểu quan nói nhỏ: “Bản sao Hành Vân Sách duy nhất và cũng được giá nhất bị mất trộm ở đây. Vốn ban đầu việc các trường bị mất trộm chưa lan rộng đi, nhưng thầy Lương của hiệu sách Dương Hòa…” Tiểu quan hơi khựng, phân vân không biết phải diễn đạt ra sao, “Ông này quậy dữ lắm.”

Quậy dữ?

Thanh Duy đương tính hỏi “quậy dữ lắm” cụ thể nghĩa là sao, chợt đằng sau truyền đến tiếng sai dịch: “… Dạ, sách vở bút mực của thư viện đã được lấy về đây cả rồi, chìa khóa nằm ở thư phòng, có người trông chừng xuyên suốt mười hai canh giờ, thầy Lương cứ việc yên tâm…”

Thanh Duy ngoái đầu nhìn, trông thấy một người đàn ông mặc lan sam, có bộ ria mép râu cá trê cong quớt, tuổi trạc ba mươi đang rảo bước vào hiệu sách cùng sai dịch: “… Ta đã suy đi ngẫm lại mất mấy đêm liền, hiện tại không đâu an toàn nổi, chưa biết chừng giặc kia nhằm vào ta thì sao? Hắn đã trộm đồ của hiệu sách Dương Hòa này rồi, nhưng nhà ta thì hắn chưa rớ tới, giả hắn lại mon men tới nhà ta giở trò gì thì ta đây có sống nổi không? Cho nên ta đã mất cả đêm thu dọn những món đồ quý gia chuyển sang cất giữ ở nhà kho bên này, chẳng phải các người nói mười hai canh giờ mỗi ng…”

Lời chưa hết, gã bỗng nhìn thấy một cô gái đẹp thanh nhã, diện váy xanh đứng trong sân, giữa một nhóm rặt những tên sai dịch: “Đây là?”

Tiểu quan ngập ngừng.

Chiêu vương nay chỉ còn là quá khứ. Nhưng sau vụ án Tiển Khâm Đài, danh vọng của công tử Tạ thị không những suy giảm mà còn tăng vọt, hơn nữa còn được đương kim thánh thượng tín nhiệm sâu sắc, nếu nói người trước mặt đây chỉ là một cô gái bình thường thì chẳng là thất lễ với nàng rồi ư?

Thái độ của tiểu quan nhất mực cung kính: “Cô đây là người mà Du đại nhân mời đến giúp bắt trộm.” Đoạn quay sang nói với Thanh Duy, “Tiên sinh đây họ Lương, chính là thầy đồ của hiệu sách Dương Hòa.”

Vừa nghe bảo Thanh Duy được Du Thanh đích thân mời đến, Thầy Lương xem nàng như cao nhân chân chính, lại thấy nàng duyên dáng xương mai, khí phách bất phàm, càng cho là gặp được cứu tinh.

Với thầy Lương mà nói, không thứ gì trên đời này quan trọng hơn Hành Vân Sách, bởi đó là thứ độc nhất vô nhị hắn định sẽ truyền lại cho thế hệ mai sau như một món gia truyền!

Hắn bước lên vài bước, chắp tay vái chào Thanh Duy: “Nếu các hạ được Du đại nhân nhờ vả đến đây truy bắt tội phạm, vậy nhất định phải hiểu rõ tường tận sự việc. Các hạ chưa biết tên trộm liều lĩnh cỡ nào đâu, hôm ấy tại hạ đã chứng kiến…”

Nói đoạn, thầy Lương tự thuật lại toàn bộ một lượt cho Thanh Duy nghe, rằng là bản sao Hành Vân Sách bị mất thế nào, mất bao giờ, nhiều ngày nay hắn phải đứng cảnh lo buồn nhấp nhổm ra sao. Rồi đến chuyện bản sao kia có nguồn gốc từ đâu, quan hệ với Lương gia như nào, trải qua bao long đong lận đận để tới được tay hắn ra làm sao, rồi khi vào trường khác lại mất những gì, có đáng tiền hay không, rồi lại đến lai lịch gốc gác,… Tóm lại nói rất nhiều, hữu ích vô dụng gì cũng gom vào nói tất, được thêm cái giọng oang oang, tính dễ bị kích động, tiểu quan và Thanh Duy toan ngắt lời mấy lần đều không thành. Đến lúc sắc trời sâm sẩm, thầy Lâm của trường Thu Nùng ở sát vách sang tìm, hắn vẫn còn luyên thuyên chưa chịu ngơi.

Thầy Lâm và thầy Lương là đôi bạn tâm đầu ý hợp, thấy thế, biết bệnh cũ của thầy Lâm tái phát, bèn kéo hắn lại mà tạ tội với tiểu quan và Thanh Duy rồi mới cáo từ rời đi.

Lúc này khỏi cần tiểu quan giải thích, cuối cùng Thanh Duy cũng đã hiểu câu thầy Lương “quậy dữ lắm” có nghĩa là gì rồi.

Tiểu quan nhìn trời, ngày gần hoàng hôn, nắng chiều chớm rọi, đoạn nói: “Mới tí đấy đã tối rồi, phu nhân đã muốn về nhà chưa? Xe ngựa đậu ngay đầu ngõ.”

Thanh Duy nghĩ ngợi: “Tôi hỏi anh, lúc nãy thầy Lương có kể vào buổi tối bản sao Hành Vân Sách bị mất trộm, mọi người vốn đã đuổi kịp tên trộm, nhưng sau sao lại để hắn chuồn mất?”

“Vâng, nói ra thì bữa ấy cũng do tình cờ. Đồ đạc được cất trong hiệu sách Lưu Xuân không phải hàng quý báu, nên ban đầu quan phủ không coi đây là án lớn, ngay chính Chu lão tiên sinh cũng chẳng để bụng. Dần về sau khie nhiều trường tư liên tục bị trộm, lúc ấy quan phủ mới bắt đầu để tâm. Vừa nãy phu nhân đến cũng thấy đấy, trên con đường này, các điểm tư thục như trường Lương Hạ, thư viện Thu Nùng, hiệu sách Dương Hòa xây kề sát nhau, à, phu nhân đã gặp thầy đồ của thư viện Thu Nùng rồi đấy, chính là thầy Lâm mới kéo thầy Lương đi lúc nãy.”

“Ba điểm tư thục Xuân, Hạ, Thu lần lượt bị trộm, quan phủ mới phái lính tuần theo dõi, đó là nguyên nhân tại sao vào hôm điểm tư thục thứ tư là hiệu sách Dương Hòa bị trộm, xung quanh đã có người canh gác.”

“Vào đêm đó, không lâu sau khi trộm đến, lính tuần đã phát giác được, tới khi trộm cuỗm bản sao Hành Vân Sách đi ra, quan sai khắp phố cuống cuồng hoảng hốt. Tổng cộng… khoảng độ hai, ba chục người, chia nhau làm ba ngả truy đuổi…”

Tiểu quan nhớ rõ đêm ấy vào giờ chưa quá muộn, rất nhiều cửa hàng vẫn còn chong đèn.

Giặc vừa ló người, ánh lửa bốn bề tức thì ngùn ngụt, nhóm quan sai đuổi ra phố Lưu Xuân, thấy sắp sửa bắt được kẻ giặc, thế mà hắn lại trèo tường trốn vào một ngõ hẹp.

“Ngõ hẹp kia là chỗ bán tạp hóa, trái phải hai bên đều có cửa hàng. Lạ nằm ở chỗ, sau khi kẻ giặc trốn vào con ngõ, mấy hàng còn mở bán lại không hề bị ảnh hưởng, vẫn buôn bán bình thường. Người của chúng tôi đi hỏi, bọn họ nhất loạt bảo rằng không thấy trộm.” Tiểu quan nói: “À, còn vài điểm lạ nữa nhé, đêm hiệu sách Dương Hòa mất trộm, trên đường còn đọng tuyết, lúc tên trộm chạy trốn, trên lớp tuyết còn in hằn dấu chân; nhưng khi hắn trèo tường trốn vào ngõ thì dấu chân cũng biến mất.”

Thanh Duy nghe tiểu quan kể, nhủ bụng đây rồi. Xuất hiện một cách khó hiểu, biến mất cũng khó hiểu nốt, cảm giác quen thuộc đã thôi thúc nàng đến thăm hỏi ngọn ngành chính là đây. Trộm cướp kiểu này, hình như nàng đã gặp ở đâu.

“Dẫn tôi tới con ngõ kia xem thế nào.”

***

Con ngõ hẹp cách hiệu sách Dương Hòa không xa, ra khỏi ngõ rẽ hai lần là đến nơi.

Tiểu quan soi sáng con đường tên trộm trèo tường đi qua cho Thanh Duy nhìn, bước tới trước chân tường: “Dấu chân hắn biến mất trong đây.”

Đêm qua mưa xuân rơi, dưới chân tường đắp một lớp bùn xuân, Thanh Duy liếc khắp trên dưới: “Không khó.” Nói đoạn, nàng tiện tay ngắt vài phiến lá, ném lên đầu tường, sau đó nhún người nhảy phắt lên bờ tường, chân giẫm lá, sải bước đi nhanh. Đến khi nàng nhẹ nhàng nhảy khỏi bờ tường, giữa lớp bùn chỉ còn dấu nông của lá rụng, nào có dấu chân?

Chứng kiến cảnh ấy, tiểu quan mắt trợn ngược, mồm há hốc. Nếu nói trước đó cậu ta kính trọng Thanh Duy bởi thân phận Chiêu vương phi, thì giờ đây đã thực sự bội phục năng lực của nàng.

Thấu tận chân tướng “giẫm tuyết không dấu” của tên trộm, sự nghi ngờ càng trĩu nặng trong lòng Thanh Duy.

Theo lý, đã có bản lĩnh này, tên trộm có thể thoát thân ngay khi vừa bị quan sai phát hiện, cớ gì phải để họ bám đuôi chạy lòng vòng thêm? Còn nữa, tại sao hắn không muốn lưu lại dấu chân ở con ngõ này? Nhẽ nào trong đây có người hắn muốn bảo vệ?

Thanh Duy sực nghĩ đến lời tiểu quan nói: “Sau khi kẻ giặc trốn vào con ngõ, mấy hàng còn mở bán lại không hề bị ảnh hưởng, vẫn buôn bán bình thường. Người của chúng tôi đi hỏi, bọn họ nhất loạt bảo rằng không thấy trộm.”

Nàng hỏi: “Mọi người đã tra hỏi hết những người bán hàng trên đường đêm hôm ấy chưa?”

“Phu nhân nghi ngờ ở đây có kẻ đồng lõa?” Tiểu quan hỏi, lại nói: “Đã tra hỏi hết rồi, có người b án nước trà, có kẻ buôn tạp hóa, còn có một đôi vợ chồng mở quầy bán bánh rán, đều là thường dân cả, gốc gác trong sạch, được tiếng tốt, không can gì đến phường cướp làng cướp xóm ấy đâu.”

Nói tóm lại, manh mối ngàn điều khê nhiêu, bói không ra một điều rành rõ.

Nếu bảo thoạt đầu Thanh Duy hỏi đến vụ án này cốt chỉ vì muốn giúp Tạ Dung Dữ và Tạ Lang, thì hiện giờ nàng được đà hứng thú thật rồi. Bước phăng phăng về con phố dài, nàng nói ngắn gọn: “Đi, chúng ta dạo tiếp các hàng.”

Màn đêm dần buông, Đức Vinh sốt ruột đi đi lại lại trước cổng Tạ phủ, nghe thấy tiếng tuấn mã hí vang từ đằng xa, một cỗ xe ngựa tiến đến, hắn nhanh nhẹn đi lên vén rèm đón Tạ Dung Dữ, cúi đầu gọi: “Công tử…”

Tạ Dung Dữ ừ tiếng, nhân hỏi: “Đại phu của Bảo An Đường đã đến chưa?”

Đức Vinh ấp a ấp úng: “Đến rồi ạ, nhưng thiếu phu nhân…”

Chẳng đợi hắn thưa tròn câu, Triêu Thiên ho “khụ” một tiếng cắt ngang lời hắn nói: “Bẩm công tử, đại phu đến rồi ạ, cũng khám cho thiếu phu nhân luôn rồi. Thiếu phu nhân uống thuốc xong, chờ công tử suốt buổi chiều, nhưng lúc nãy bỗng nhiên bảo mệt trong người, muốn ngủ một lúc nên đã đi nằm rồi ạ.” Hắn dừng lời, lại xách đao cất tiếng: “Bẩm công tử, chỗ lão phu nhân đã chuẩn bị bữa tối xong xuôi, chỉ chờ công tử đến dùng bữa.”

Tạ Dung Dữ nhìn vẻ “đường đường chính chính” của hắn, biết ngay có chuyện khuất tất, chẳng ừ chẳng hử đi về phía nội viện, đẩy cửa phòng ra.

Xuân Sơn Diệp mới pha trên bàn hẵng còn nguyên xi, đệm giường phẳng phiu ngăn nắp, làm gì có thiếu phu nhân “mệt trong người muốn đi ngủ” nào?

“Nàng đâu rồi?” Tạ Dung Dữ lạnh lùng hỏi.

Triêu Thiên cúi đầu, không dám hé môi.

Tạ Dung Dữ biết hắn quen bao che cho Thanh Duy, bèn nhìn sang Đức Vinh.

Đức Vinh thưa: “Sau trưa lúc đại phu đến, trong phòng đã chẳng còn ai, Thiên nhi tìm thấy dấu chân dưới chân tường ở hậu viện, có lẽ thiếu phu nhân đã trèo tường ra ngoài. Lưu Phương dặn không được để chuyện này đến tai lão phu nhân, cho nên đã cùng Trú Vân sang chỗ lão phu nhân che giấu. Tiểu nhân tính nhờ người đi tìm thiếu phu nhân, nhưng đường đi nước bước của thiếu phu nhân, người thường sao đuổi kịp…” Nói đoạn, hắn ngước mắt thoáng nhìn Tạ Dung Dữ, giọng sợ sệt: “Công tử, công tử có biết thiếu phu nhân đi đâu không?”

Người đối diện im lặng.

Một hồi sau, Tạ Dung Dữ lạnh lùng cất tiếng: “Ở nha môn Trung Châu có một kẻ tên Du Thanh, là người quen của nàng ấy. Ban sáng nàng có nói với ta muốn đến nha môn xem hồ sơ, ta không cho phép. Xem ra là nàng cứng đầu, đã tự đi tìm Du Thanh.”

***

Xe ngựa đến trước ngõ, Thanh Duy vén rèm lên nhìn thoáng hai bên, “Dừng ở đây được rồi.”

Còn xa lắm mới đến Tạ phủ, vị tiểu quan cho rằng nàng đang khách khí: “Để tôi tiễn phu nhân tới cửa.”

Thanh Duy xua tay lia lịa, nhảy xuống xe ngựa rồi đi vòng ra ngõ sau.

Tạ phủ trải dài những ba phố, diện tích rất rộng. Thanh Duy thấy đã khuya, bước nhanh đi đến ngõ sau, định bụng men theo đường cũ nhảy tường chuồn về phòng.

Nàng ôm tâm lí cầu may, vụ án trộm cướp vẫn chưa giải quyết, quan nhân không vùi mình suốt đêm ở nha môn đã là quý lắm rồi, hẳn sẽ không về sớm hơn đâu. Hơn nữa còn có Triêu Thiên bao che cho nàng, nếu quan nhân không hỏi, Đức Vinh cũng sẽ không lắm lời…

Nghĩ đến đây, Thanh Duy vươn người nhảy lên tường cao, bóng đêm hun hút lặng tờ, nàng nhìn quanh quất, mũi chân điểm xuống đất không phát ra tiếng động, đang định lặng lẽ chuồn về phòng thì bất thình lình, có một người bước ra từ chân tường phía sau.

Người tới mặc áo suông xanh lơ, khoác áo chùng trên vai, lạnh lẽo cười mà nói: “Tiểu Dã cô nương vất vả nhỉ, mới tra án xong về đấy hả?”