Trong phủ Tín Quốc điện hạ nuôi dưỡng không ít mỹ nhân, nên nàng muốn tầm hoan mua vui thì cũng hơn phân nửa là ở trong phủ, việc kiều diễm như qua đêm ở kỹ quán là chuyện chưa bao giờ được truyền ra.
Mọi người không khỏi tò mò, là điện hạ đổi tính hay là trong kỹ quán đó có cô nương đặc biệt khiến người ta nhớ thương.
Chẳng mấy chốc kỹ quán kia đã kín hết chỗ, có người đơn giản chỉ vì tò mò nên đến nhìn một cái, cũng có người vì muốn gặp được điện hạ nên cố ý đến.

Truyện Võng Du
Trong cung cũng bàn tán về việc này, hoàng đế là người biết tin đầu tiên.
Hắn trầm tư một lúc lâu thì mới cười hỏi người bên cạnh: "Sao Minh Tô lại đi kỹ quán? Kẻ hầu hạ con bé là người phương nào? Diện mạo trông ra sao?"
Triệu Lương biết rõ tâm tư của hoàng đế, biết hắn hỏi diện mạo cũng không phải chỉ đơn giản là hỏi diện mạo: "Có lẽ điện hạ bỗng chốc hứng thú thôi ạ.

Đó là cô nương nổi danh nhất kỹ quán ấy, tên là A Chi, đẹp kiều mị như hoa, diễm tuyệt nhân gian.

Hơn nữa còn một đôi mắt long lanh ngập nước, nhu nhược động lòng người, hai thứ kết hợp, trong sự quyến rũ lại có một chút nhu nhược, thật là khiến người ta sinh lòng thương tiếc."
Hắn nói xong, lại liếc nhìn sắc mặt hoàng đế, bổ sung thêm một câu quan trọng nhất: "Không giống Trịnh Mật."
"Ồ, không giống à." Đầu ngón tay hoàng đế gõ lên ngự án vài cái, cười như không cười, hỏi: "Minh Tô đã đổi khẩu vị rồi sao?"
Triệu Lương không dám nói tiếp.
Hoàng đế suy nghĩ trong chốc lát, cười nói: "Há có thể dễ dàng thay lòng đổi dạ như vậy, tiếp tục lưu ý."
Triệu Lương vội dạ vâng, chỉ là có một câu hắn không dám nói.


Năm năm trước sau khi Tín Quốc điện hạ rời kinh quay về, thì bệ hạ đã ra lệnh lúc nào cũng phải chú ý động tĩnh của điện hạ.

Kẻ tôi tớ tất nhiên sẽ làm theo, cứ cách ba ngày thì sẽ có tin truyền đến tay hắn, nếu bệ hạ có hỏi thì hắn có thể hồi bẩm ngay.
Nhưng hai năm gần đây, chỗ Tín Quốc điện hạ đã không dễ giám sát như trước nữa.

Từ năm trước đến nay, điện hạ nói chuyện gì với người khác, tranh luận hỏi thăm, đến năm nay, có khi ai đến thăm ngài ấy cũng không biết được nữa.
Triệu Lương cũng nghĩ đến chuyện nên nhắc với bệ hạ về chuyện này, nhưng mỗi lần bệ hạ hỏi về Tín Quốc điện hạ cũng chỉ hỏi những nữ tử mà điện hạ thu vào, diện mạo như thế nào, hoặc là hỏi điện hạ gần đây có tìm được vật cũ nào không, có phái người xuất kinh không.
Trừ hai năm đầu ra thì sau này cũng không hỏi điện hạ lui tới với vị đại thần nào trong triều, lại mời chào người nào, làm chuyện gì,...
Triệu Lương đã có mấy độ chần chờ, đành trực tiếp đè xuống, nếu bệ hạ có hỏi thì bẩm cũng không muộn.
Huống chi sau khi điện hạ được phái đi hoàn thành xong việc, thì không khác gì triều thần thông thường là bao, cũng dâng bản tấu lên, hẳn trong lòng bệ hạ cũng có nắm chắc.
Không lâu sau khi hoàng đế hỏi qua thì Thục phi cũng nghe nói.

Nàng vốn định triệu Minh Tô vào cung để hỏi một chút, lại nghĩ tới mấy ngày gần đây sợ là Minh Tô có hơi bận rộn, nên lại đè suy nghĩ này xuống.
Nàng một mình ngồi trong tẩm điện hồi lâu, như là không có biện pháp, hỏi nhẹ: "Hoàng hậu nương nương, Minh Tô học hư rồi, ta nên dạy con bé như thế nào đây?"
Một lát sau, nàng lại nói: "Hẳn là không phải học hư đâu.

Đứa bé lớn lên dưới gối ngài thì phẩm hạnh sao có thể không tốt chứ.

Có lẽ chỉ là trong lòng con bé khổ sở nên đi kỹ quán giải sầu thôi.

Hoàng hậu nương nương, ngài trên trời có linh thiêng thì nhất định phải phù hộ cho con bé, phù hộ nó sớm ngày tìm được Mật nhi, phù hộ Minh Tô thuận lợi lật lại bản án Trịnh gia, phù hộ cho hai đứa nhỏ đều bình an."
Trong điện không có một bóng người, tất nhiên cũng không có ai đáp lời nàng.
Trịnh Mật là người cuối cùng trong cung biết được tin này.

Cũng không phải là do tin tức không linh thông, mà là do mấy ngày gần đây nàng phải chỉnh đốn hậu cung, lại còn phải giao thiệp lui tới với các phi tần, thật sự rất bận.
Chuyện Tín Quốc điện hạ ngủ lại kỹ quán, muốn quản thì cũng là Thục phi nương nương quản, không liên quan đến Nhân Minh Điện.
Thế nên tin tức truyền tới Nhân Minh Điện thì bị gác lại, vẫn chưa được đặt lên bàn hoàng hậu.
Hoàng hậu thừa dịp được hoàng đế ban thưởng nên có không ít phi tần trong cung tranh thủ xu nịnh phủ đầu, để nàng dọn dẹp sạch quy củ ở nơi hậu cung, chém không ít tay chân Hiền phi và Đức phi.
Hai người vừa mới bị chịu thiệt nên sẽ không dám phản kích gì, trái lại còn khiến hoàng hậu hành sự thuận lợi hơn.
Chỉ là nàng cũng không dám chèn ép quá mức.

Thứ nhất, Hiền phi và Đức phi cũng không phải là loại người lương thiện gì, chút chuyện tầm thường thì có thể nhịn, nhưng nếu chạm vào điểm mấu chốt thì tất sẽ phản kích.

Thứ hai, điều hoàng đế muốn là nàng chế trụ cân bằng hai bên, chứ không phải là mình nàng độc bá.
Hoàng hậu nắm chắc đúng mực, tuy rằng lúc đầu có chút khó khăn, nhưng vẫn có thể ứng phó.
Muốn lật lại bản án thì phải để hoàng đế tự thừa nhận là mình đã sai.

Muốn hắn thừa nhận mình đã sai, tất nhiên không phải chỉ cứ có chứng cứ, nói cho hiểu là được, nhất định phải khiến cho hắn lâm vào khốn cảnh, để hẳn không thể ra khỏi cung, khiến cho hắn không còn quyền thế của thiên tử.


Khi đó hắn mới có thể tỉnh táo kiểm lại những khuyết điểm trong quá khứ.
Muốn một hoàng đế có hoàng quyền vững mạnh sụp đổ không phải là một sự khó khăn bình thường.
Hoàng hậu cũng không sợ hãi mấy, đến cả cái chết nàng cũng đã trải qua thì còn thứ gì đáng giá để nàng sợ.
Ngoại điện còn có vài phi tần đang đứng chờ, tổ phụ của những phi tần đó đều là triều thần, ngày thường cũng thường xuyên liên lạc với bên ngoài, hoàng hậu triệu các nàng tới nói chuyện mục đích là để thăm dò ý đồ của các nàng ấy.
Tam hoàng tử và ngũ hoàng tử tuy đã phát triển chắc chắn, nhưng cũng không phải tất cả đại thần đều phục bọn họ.

Những đại thần đang ủng hộ bọn họ cũng chưa chắc sẽ không đổi hướng, đổi lập trường.
Nàng ngồi mệt nên đi vào trong điện, vuốt mặt, lại nhớ khi cô mẫu còn tại thế thì hậu cung và tiền triều tách bạch rõ ràng, các phi tần cũng không dám liên lạc với tiền triều.

Chỉ có vài phi tần có hoàng tử, khi nói chuyện với con mình thì mới biết được một vài chuyện từ tiền triều.
Nhưng hôm nay, cung nhân qua lại với tiền triều để truyền tin tức cho các chủ tử, kết bè kết cánh, cực kỳ càn rỡ.

Hoàng hậu không khỏi suy nghĩ sâu xa, tình hình này, đến tột cùng là do hoàng đế dung túng, hay thật ra là do quyền kiểm soát hậu cung không quá mạnh đây.
Nàng hơi lo lắng, tổ phụ từng nói một khi triều đình thành lập các đảng phải thì các cuộc tranh đảng sẽ bắt đầu.
Mà ngay khi xảy ra tranh đảng, thì các quan viên biết suy nghĩ cho lê dân bá tánh sẽ ngày càng ít, đến cuối cùng chỉ biết làm cho triều đình chướng khí mù mịt, làm hỗn loạn non sông thiên hạ.
Sau cùng, người khổ nhất vẫn là bá tánh.
Chính vào lúc này, Trịnh Mật biết được chuyện Minh Tô đi kỹ quán.

Vân Tang thấy hoàng hậu đang rửa tay lau mặt, nhân dịp đang rảnh thì nói chuyện này.

Trịnh Mật nghe thế thì lập tức ngơ ngẩn, như thể không dám tin tưởng, hỏi: "Nàng ấy đi kỹ quán?"
Vân Tang trả lời: "Vâng ạ, điện hạ ngủ lại trong kỹ quán một đêm, đến hừng đông mới về."
Trịnh Mật không thể tin nổi, bỗng nhiên có cảm giác hoảng hốt, gần như làm tan nát cõi lòng nàng.

Nàng gần như là buột miệng thốt ra: "Gọi nàng ấy đến đây!"
Lời vừa ra khỏi miệng thì nàng lại chợt nghĩ lại, Minh Tô thân ở địa vị cao, hẳn là rất bận rộn, thế là sửa miệng: "Hỏi thăm xem mấy ngày gần đây công chúa có rảnh rỗi không?"
Lại bổ sung thêm một câu: "Sau này, chuyện của công chúa phải lập tức bẩm báo cho ta biết."
Thấy hoàng hậu khẩn trương đến thế thì Vân Tang thấy hơi kỳ lạ, nhưng nàng có một điểm tốt, đó là không nên hỏi, cũng không hỏi nhiều, cung kính vâng dạ rồi dặn dò xuống.
Trịnh Mật chỉ ở nội điện một lát rồi tiếp tục ra ngoại điện nói chuyện với các phi tần.
Điều nàng muốn là những người này, thậm chí mẫu tộc của bọn họ dốc sức vì nàng.

Việc quan trọng như thế, đương nhiên không phải chỉ cần triệu bọn họ vào điện nói chuyện một lúc là xong.
Tính tình nàng dễ gần, quan sát sắc mặt của bọn họ, trong lúc nói chuyện thì lại để lộ thiện ý, lại bắt đầu cân nhắc về những gì họ nói.
Bình tĩnh tự chủ, dường như căn bản chưa từng nghe qua chuyện Minh Tô đi kỹ quán.
Sau khi các phi tần cáo lui, nàng lại hồi tưởng tình hình vừa rồi.


Sở dĩ tìm những người này, là bởi vì nàng có ấn tượng về cha ông của họ.

Những vị đại thần đó nàng đã từng nghe tổ phụ nhắc qua, hầu hết đều là khen ngợi, hoặc là vì dân làm việc, hoặc là vì quân phân ưu, lại hoặc là trí kế cao xa, tóm lại đều là người mà ông ấy coi trọng.
Chỉ là thật kỳ lạ, đã năm năm trôi qua, mà quá nửa những người được tổ phụ xem trọng vẫn ở vị trí cũ.
Ngược lại có một ít đại thân danh tiếng không tốt lại người sau vượt người trước, chiếm cứ vị trí quan trọng.
Tổ phụ đã từng nói rằng, cánh cổng hoàng cung không chỉ ngăn cách thiên gia và bá tánh, mà còn cả tai mắt của hoàng đế.

Những gì hoàng đế có thể nghe được hoặc nhìn thấy đều là do các đại thấu tấu trình lên.
Cho nên kẻ bề tôi cần tận trung tẫn thành, bẩm đúng sự thật cho quân thượng, bệ hạ biết được tình hình thực tế thì mới có thể phán đoán chính xác, như thế mới thì mới có lợi thiên hạ, có ích cho muôn dân.
Trịnh Mật nghĩ đến những lời đó, thầm nghĩ, xem ra năm năm này, hoặc là bề tôi bên dưới lừa gạt tai thánh, mê hoặc quân thượng.

Hoặc là hoàng đế chỉ nguyện nghe lời nói từ một phe của những đại thần ưa nịnh hót, giỏi xu nịnh.

Thế nên bây giờ mới xảy ra cục diện này.
Lúc nàng làm xong thì đã là đêm khuya.
Sau khi tắm gội, nằm trên giường, Trịnh Mật thấy có hơi đau đầu.

Hai ngày nay nàng phải làm quá nhiều việc, mọi việc mới bắt đầu nên nàng phải cẩn thận, từng quyết định cũng cần phải cẩn trọng, nghĩ đi nghĩ lại, cân nhắc nhiều lần.
Nàng không thể đi sai dù chỉ là một bước.
Chỉ là suy nghĩ quá mức thì khó tránh khỏi có hơi đau đầu.
Nàng vẫn chưa gọi cung nữ tiến vào, mà nhắm mắt lại nghĩ về Minh Tô.
Không biết Minh Tô đang làm gì nhỉ?
- ---
Mấy nay mình xem lại Tam Quốc, lại nghĩ đến câu chuyện "gân gà" của Tào Tháo, không biết có bạn nào biết chuyện này không.

Mình đã nghỉ một thời gian trước khi làm lại bộ truyện này, lúc đó mình thấy nó cũng như gân gà vậy, làm thì mệt nhưng bỏ thì tiếc, haha.

Cơ mà giờ đã lấy lại năng lượng làm tiếp rồi, truyện hay lắm, với tính mình không thích bỏ nửa chừng nữa nên cũng đã đi gần xong chặng đường này rồi.

À, bài hát trên được phổ từ bài thơ "Đoản ca hành 2" của Tào Tháo trước trận Xích Bích..