Bà Kim thả ly trà trong tay xuống, âm thanh đế ly chạm bàn vang lên không lớn không nhỏ, bà thở dài, kể lại: “Lúc mấy đứa lên tỉnh không bao lâu thì thầy Phước cũng từ xa trở về.

Sau khi biết được chuyện xằng bậy của cô Duyên thì lập tức giận dữ.

Ông ta kéo cô Duyên tới nhà chúng ta, đứng trước cửa lớn vừa quất roi vừa tạ tội với nhà mình.

Trước mặt bao người cái Duyên bị đánh đến hấp hối, má không muốn người ta chỉ trỏ nhà mình nữa nên đồng ý bỏ qua chuyện này.”
Trước đó Trúc có nghe qua thầy Phước thương yêu cô Duyên chẳng khác nào con gái ruột.

Ông có thể phân rõ phải trái như thế đúng là một người hiểu lí lẽ.


Chả trách người trong làng ai cũng kính trọng ông, kể cả vợ chồng phú ông.
Bà Kim lại thở dài một hơi, nói tiếp: “Thầy Phước dầu gì cũng có tiếng nói nhất định trong làng này.

Nay ông chịu vứt hết sỉ diện nhận sai về mình, chúng ta cứ cắn chặt không tha thì dù mình đúng cũng biến thành nhỏ nhen trong mắt người ngoài.

Vì thế...!tạm thời kết thúc như vậy đi.”
Nghe bà nói thế, Trúc ngẫm nghĩ hồi lâu lại cảm thấy chuyện đời đúng là trớ trêu.

Thầy thuốc và thầy giáo là hai nghề được người người tôn kính nhất trên đời, vậy mà một người mang trên mình sứ mệnh trồng người như dượng Hai Tài lại phản bội tình nghĩa vợ chồng, âm mưu hại người chiếm đoạt tài sản; một người mấy chục năm chữa bệnh cứu người, lại vì sai lầm của con cháu mà cúi đầu nhận lỗi.

Đúng là một con sâu làm rầu nồi canh, cứ thế tha thứ cho đôi nam nữ tằng tịu kia như vậy thì thật sự quá độ lượng rồi.
Không thể không nói gừng càng già càng cay, thầy Phước gõ trống khua chiêng đến nhận lỗi, ép cả nhà phú ông ở trước mặt mọi người đồng ý bỏ qua cho cô Duyên, như vậy từ rày về sau, nhà họ không thể tiếp tục gây khó dễ cho cô ta, mà cô ta biết sai sửa sai, có thể lần nữa làm lại cuộc đời.
Tính toán rất hay.
Chuyện này đã quyết định như vậy, Trúc cũng không hỏi thêm nhiều.

Cô suy nghĩ một chút, bắt đầu tìm cách hỏi sang chuyện của chị chồng: “Con nghe nói...!cái gã Tài kia lại đến tìm chị Hai gây chuyện.

Chả nhẽ không thể giải quyết gã triệt để luôn sao ạ, cứ để gã đến nhà chúng ta ăn vạ như thế có khi lại khiến tâm trạng chị Hai không tốt đó đa.”
Nghe đến đây, phú ông hừ lạnh một tiếng, nhanh miệng đáp lời: “Nó bây giờ làm gì còn tâm trạng nghĩ tới cái thằng khốn nạn kia nữa! Nó đang suy nghĩ làm sao chạy lẹ ra ngoài thăm hỏi thằng anh con kia kìa!”
Trúc mím môi, liếc mắt nhìn sang cậu ba Hưởng vẫn luôn im lặng bên cạnh.
Cậu ba nhận được tín hiệu, giả bộ ho khù khụ mấy tiếng, bất đắc dĩ lên tiếng thay vợ: “Ba à, hai người họ đều đã trưởng thành hết rồi.


Trai chưa vợ, gái chưa chồng, tìm hiểu nhau nói chuyện yêu đương, kể cả tính chuyện cưới xin cũng là chuyện thường tình mà thôi...”
“Bang!” Phú ông giận dữ ném mạnh ly trà xuống đất, mảnh vỡ văng tung toé khắp nơi.

Ông thẳng tay chỉ vào mặt ba Hưởng, mắng: “Nó mới bỏ chồng được mấy hôm, bây giờ đã muốn tái giá? Làng xóm sẽ nghĩ thế nào? Rồi người ta cũng sẽ đem hết tội lỗi của cuộc hôn nhân đổ vỡ trước đó ụp lên đầu nó! Nó chịu nổi hay không? Nó có chịu được hay không!”
Ba Hưởng đứng dậy dùng chân đá những mảnh vỡ dưới ghế Trúc sang một bên, sau đó mới nhăn mày, đáp trả: “Chẳng lẽ ba muốn nửa đời sau của chị Hai phải cô độc tới già một mình? Tái giá có gì sai? Có gì đáng để đàm tiếu kia chứ! Ba vì sỉ diện mà đối xử với con gái mình như thế sao!”
“Cái thằng trời đánh này, mày ăn nói với ba mày như thế đó hả?” Phú ông cầm bình trà nóng, toan ném tới.
Cũng may có bà Kim lên tiếng cản ngăn: “Đủ rồi, bỏ đồ xuống, ông ngồi im đó cho tôi!” Nhìn thấy bạn đời của mình ngoan ngoãn nghe lời, bà Kim mới chuyển mắt sang con trai, không vui nói: “Ba con giận quá nên nói năng không lựa lời, con cũng hùa theo nói sảng với ổng hả?”
Ba Hưởng thở dài, quay lại ngồi xuống ghế, dịu giọng nói: “Chẳng lẽ ba má muốn nhốt chị Hai cả đời?”
Bà Kim hết nhìn con trai, lại nhìn con dâu, thật lâu sau mới nói: “Tái giá cũng được, chỉ là không phải bây giờ! Con biết cái gã khốn nạn kia đứng trước nhà chúng ta nói gì không? Nói chị con có tình mới nên âm mưu bỏ chồng! Cây độc không trái, gái độc không con! Chị con như vậy là đáng đời! Con nghĩ ba má nghe được những lời đó không đau lòng hay sao?”
Bầu không khí bỗng chốc im lặng, bà Kim thấy không ai lên tiếng nữa, nói tiếp: “Bây giờ thằng Bách chạy tới hỏi cưới, chẳng khác nào cho kẻ tồi tệ kia có cơ hội mạt sát chị con.

Đàn bà con gái chịu thiệt trăm bề, chỉ cần họ tìm được lỗi nhỏ sẽ ra sức giẫm đạp để thoả mãn quỷ dữ trong lòng.

Đúng sai thế nào ai quan tâm? Họ chỉ nhìn thứ họ muốn thấy, chỉ nghe những thứ họ muốn nghe, con gào khàn giọng phân minh cũng chẳng ai đoái hoài!”

Xa hội phong kiến, phân chia tầng lớp giàu - nghèo, có chủ thì sẽ có tớ, cán cân giữa đàn ông và phụ nữ luôn không bao giờ cân bằng nhau, cũng như sự chênh lệch giữa người và người, người này vĩnh viễn không bằng người kia.
Thế giới thật sự công bằng ư? Có hay không tuỳ thuộc mỗi người.

Ai cũng đua nhau tìm nó, nhưng đôi khi nó chỉ là một suy nghĩ của riêng mình.
Trúc thấu hiểu tấm lòng làm cha làm mẹ của vợ chồng phú ông, nhưng ba Hưởng thì không đồng ý với cách nghĩ đó.

Cậu cười châm chọc, nói: “Ai dám đàm tiếu, con sẽ khiến kẻ đó ngậm miệng mãi mãi.

Ba má cố gắng cả đời người mục đích không phải bởi vì muốn con cháu đời sau không bị người ta đè đầu cưỡi cổ hay sao? Bây giờ lại sợ này sợ kia, rồi để con gái chịu thiệt thòi?”
Phú ông đập bàn rầm rầm, quát lớn: “Mày có hai tay, mày bịt miệng được mấy người? Cái làng này lớn như vậy, mày bắt bọn họ im miệng hết được sao? Hay mày muốn giết người bịt miệng!”
“Sợ gì chứ?” Ba Hưởng nhìn thẳng vào ba mình nói, “Thằng ba Hưởng này không sợ mang tội, chỉ sợ không thể bảo vệ được người mình yêu thương!”.