8

Cả trường đều biết chuyện của tôi và Trì Dã.

Lúc đó chủ nhiệm lớp của chúng tôi là một giáo viên nữ còn rất trẻ, cô đặc biệt gọi tôi tới để nói chuyện riêng, trong lời ra lời vào đều dặn dò rằng tôi là con gái, tôi không giống với Trì Dã.

Trên con đường trưởng thành của các cô gái, nhất định sẽ phải thừa nhận nhiều đau khổ hơn con trai.

Huống chi hoàn cảnh gia đình tôi còn như thế.

Tôi vô cùng biết ơn cô, bởi cô đang rất rõ ràng mà nói cho tôi biết, rằng tôi không thể đi đường tắt, vì tôi không có đường lui, người mà tôi có thể trông cậy vào chỉ có chính bản thân tôi mà thôi.

Mỗi bước đi trên đường đời đều rất quan trọng, chưa đi đến đích thì chớ nên xuống xe.

Tôi ghi nhớ kỹ càng lời cô dặn, hai mắt đẫm lệ nói với cô rằng: "Cô ơi, cô hãy tin em, em không hề yêu đương với cậu ấy."

Tất nhiên là cô tin lời tôi, vì lúc cô tìm tôi đi nói chuyện thì Trì Dã cũng tới tìm cô.

Anh vẫn luôn như vậy, chẳng cố kỵ sợ hãi thứ gì, anh có vốn liếng để thẳng thắn nói chuyện: "Cô ơi cô đừng làm khó Hứa Đường, là do em theo đuổi cậu ấy, cậu ấy không để ý đến em đâu. Da mặt cậu ấy mỏng lắm, cô đừng làm cậu ấy khóc nhé."

Sau này tôi không nói chuyện với Trì Dã nữa.

Kỳ nghỉ hè khi lên lớp mười hai năm đó, không hiểu sao lại dài đằng đẵng vô cùng.

Dưới sự giới thiệu của anh họ, tôi đi làm thêm ở khu trung tâm trò chơi trong nội thành. Lúc đó anh họ đang học đại học năm thứ ba, có một bạn học nữ của anh cũng làm thêm ở đó, vừa hay tôi và chị ấy được phân tới cùng nơi.

Mỗi ngày làm việc bốn đến năm tiếng, buổi tối tầm tám giờ là có thể về nhà.

Tôi không ngờ rằng mình lại sẽ nhìn thấy Trì Dã ở đây. Anh không đi một mình, bên cạnh anh còn có thêm ba cậu trai và một cô gái, cả đám đang cùng nhau chơi game arcade.

Lúc tôi đang đổi xu chơi game cho khách hàng thì bị anh nhìn thấy.

Anh đi về phía tôi, vô cùng kinh ngạc, cũng vô cùng vui sướng reo lên: "Hứa Đường, sao cậu lại ở đây?"

Tiếng vang trong phòng game arcade rất lớn, tôi cũng cực kỳ bận rộn nên chỉ hàm hồ cười với anh: "Làm thêm."

Anh không nói tiếp nữa, hẳn là cũng cảm thấy mình hỏi han quá nhiều.

Cô gái đi cùng với anh mặc một chiếc áo ba lỗ xinh xắn kết hợp với quần đùi, đuôi ngựa buộc cao, vui vẻ chạy tới ôm lấy cánh tay anh---

"Anh, hết xu rồi, đổi thêm chút nữa đi."

"Bao nhiêu?"

"Đám Giang Thần cũng muốn dùng, đổi năm trăm trước đi anh."

Ngày hôm đó bọn họ đổi hết tổng cộng một ngàn tệ xu chơi game. Tôi làm thêm cả kỳ nghỉ hè trong trung tâm trò chơi cũng chỉ kiếm được một ngàn tệ tiền lương mà thôi.

Sau khi Trì Dã biết tôi làm thêm ở đây thì đã đến rất thường xuyên. Ban đầu là cùng đám bạn chơi từ nhỏ của anh, sau lại biến thành một mình một người.

Tôi không quá để ý đến anh, còn anh thì ngày nào cũng chờ tôi tan ca ở cửa ra vào.

Bởi vậy nên bạn học của anh họ còn trêu ghẹo tôi: "Hứa Đường, bạn trai em đẹp trai thật đấy."

Tôi vội vàng đỏ mặt giải thích: "Không phải đâu, bọn em chỉ là bạn học bình thường thôi."

Sau đó tôi đi qua nói với Trì Dã: "Cậu đừng đến đây nữa."

Anh nói: "Muộn lắm rồi, con gái con đứa về nhà một mình không an toàn, mình đưa cậu về."

Tôi nói không cần, anh cũng không bắt buộc, sau đó anh quay ra hỏi tôi có muốn tới tòa nhà Thiên Hải ngắm cảnh đêm không?

Tôi nói mình không đi đâu, cảm ơn cậu.

"Vậy đi chợ đêm gần đây dạo chút?"

Anh phiền vô cùng, ngày nào cũng tới, có lần anh ngồi xổm hút thuốc trước cửa ra vào rồi còn trùng hợp bị tôi nhìn thấy.

Bốn mắt nhìn nhau, anh sửng sốt chốc lát liền đứng dậy bóp tắt điếu thuốc đi.

Tôi khẽ thở dài: "Mấy cậu lén hút thuốc ở trường, tôi biết lâu rồi."

Thế là anh bật cười, hai tay đút túi quần hỏi tôi: "Hôm nay có muốn đi tòa nhà Thiên Hải ngắm cảnh đêm không? Hay là đi qua chợ đêm dạo tí?"

Đêm đó tôi thấy thời gian còn sớm nên quyết định đi chợ đêm với anh.

Anh vui vẻ cực kỳ, cả đường đi cứ chạy theo tôi hỏi tới hỏi lui, hỏi cậu muốn ăn gì? Muốn mua gì không? Mình mua cho cậu nhé?

Chúng tôi đứng ăn đá bào trước một quầy hàng. Cuối cùng tôi mới nói ra lời hôm nay mình định nói: "Sau này cậu đừng đến nữa, thật đấy, coi như mình xin cậu, cậu như thế này làm mình bối rối vô cùng."

"Bối rối cái gì, mình đâu có bắt cậu nói chuyện với mình, làm bạn tốt với nhau không được sao?"

"Làm bạn tốt cũng không được."

Đôi mắt đen láy của anh im lặng nhìn tôi, mái tóc dài hơi rối hiển lộ mấy phần không bị trói buộc, giọng nói cũng có chút buồn phiền: "Tại sao lại không được?"

"Không hợp, chúng ta không giống nhau." Tôi nhỏ giọng nói.

"Tại sao lại không giống nhau? Chẳng lẽ cậu không phải là người à?"

"Mình không cần bạn bè, mình chỉ muốn học tập thật tốt thôi."

"Ây, mình nói rồi mà, cho dù cậu nói chuyện với mình thì cũng đâu có ảnh hưởng tới việc cậu thi đại học, mình còn có thể đốc xúc cậu học tập nữa cơ."

"Sao nói mãi mà cậu không hiểu nhỉ, sau này đừng có quấn lấy mình nữa."

Tôi hơi tức giận, cũng không thèm ăn nốt ly đá bào còn dở, đứng dậy rời khỏi đây luôn.

Trì Dã lập tức chạy theo, anh đi tới trạm xe với tôi, nhìn tôi lên xe buýt, vẻ mặt có hơi bất đắc dĩ.

Mỗi ngày làm việc đều khiến tôi rất mệt mỏi, tôi không có thời gian dây dưa với anh.

Xe buýt đi tới trạm cuối cùng, tôi còn phải đạp xe thêm tầm mười mấy phút nữa mới về tới nhà.

Sau khi về đến nhà, thường thì mẹ tôi sẽ không có ở nhà, tôi lại phải nấu cơm cho ba ăn, xem ông ấy có muốn đi đại tiện không, giúp ông ấy xoay người rồi lau chùi cơ thể cho sạch sẽ.

Bận bịu xong xuôi thì đã rất trễ rồi, tôi còn phải rửa mặt, bớt chút thời gian ra để đọc sách và ôn tập tài liệu.

Số độ cận thị của tôi lại tăng lên, nếu còn không cắt kính thì thật sự không ổn.

Tôi cứ như một con ốc sên cõng vỏ, cần liên tục không ngừng mà bò tới, mang đầy gánh nặng trên lưng thì mới có thể chậm chạp mà đi đến nơi tôi muốn tới.

Trì Dã là người của một thế giới khác, anh sẽ không hiểu được.

Ngày làm thêm cuối cùng của kỳ nghỉ hè, tôi vẫn đạp xe về như thường lệ.

Ở dưới lầu của cư xá, tôi nhìn thấy một người đàn ông đang đứng đợi.

Bởi vì đây là một khu nhà tập thể cũ kỹ nên đoạn đường dưới lầu không có đèn đường, nhưng tôi vẫn nhận ra ông ta, ông ta tên là Hoàng Hồng Bân, là ông chủ của một sòng mạt chược.

Tôi cũng biết rằng, không lâu sau khi ba tôi bị tai nạn giao thông, ông ta đã trở thành nhân tình của Trần Mậu Quyên.

Ông ta đã có gia đình, là một người đàn ông trung niên, con cái cũng lớn lắm rồi.

Trần Mậu Quyên tự nguyện đi theo ông ta, bởi vì ông ta sẽ cho bà ta tiền để xài.

Ông ta cũng từng cho tôi một ít tiền.

Có một hôm tôi quên mang chìa khóa nhà đi, lúc tới sòng mạt chược tìm Trần Mậu Quyên, ông ta nhìn thấy tôi rồi chợt cười tủm tỉm nói: "Hứa Đường đã lớn vậy rồi à, nghe mẹ con nói thành tích học tập của con tốt lắm đúng không? Qua đây, chú cho con hai trăm tệ này, con cầm mua thêm tài liệu học tập đi."

Tôi không gọi ông ta là chú, cũng không lấy tiền của ông ta.

Trần Mậu Quyên mắng tôi không có lễ phép, người ta cho tiền mà còn không lấy, ngu dốt cực kỳ.

Tôi ghét Hoàng Hồng Bân, ông ta không phải người tốt, dáng vẻ ông ta cười rộ lên cứ luôn khiến người ta sợ hãi trong lòng.

Cho nên giây phút nhìn thấy ông ta ở dưới lầu cư xá, tôi đã lập tức sinh lòng cảnh giác, không tiếp tục tiến lên nữa.

Ông ta đi về phía tôi, mỉm cười nói: "Đường Đường, qua đây, chú cho con tiền sinh hoạt này."

Ông ta giơ một xấp tiền lên, làm bộ muốn đưa cho tôi.

Tôi quăng xe đạp ra, lập tức xoay người chạy mất.

Tôi chạy nhanh như vậy, cũng chẳng biết ông ta có đuổi theo hay không.

Cơn sợ hãi và khủng hoảng ùa về đáy lòng khiến nước mắt tôi lập tức trào ra.

Mãi đến khi chạy ra ngoài đường lớn rồi va phải một người, tôi mới sợ hãi tới mức hét ầm lên.

Người nọ giữ lấy bả vai tôi, vội vã la lớn: "Có chuyện gì vậy Hứa Đường, cậu làm sao vậy?"

Là Trì Dã.

Tôi trừng mắt nhìn anh, hồi lâu mới lấy lại tinh thần, khóc lóc nói: "Sao cậu lại ở đây?"

"Mình đưa cậu về nhà, đã trễ như vậy rồi để cậu về một mình thì mình không yên tâm."

Lúc này tôi mới chú ý tới có một chiếc xe taxi ngừng ở ven đường.

Trì Dã đã đi theo tôi rất lâu.

Ngay cả khi tôi đã cảnh cáo anh không cần quấn quít lấy tôi nữa, anh vẫn tới trung tâm trò chơi vào mỗi tối.

Chờ tôi tan ca, thấy tôi đi lên xe buýt thì anh lại gọi một chiếc taxi đi theo suốt cả đoạn đường. Đợi tới lúc đưa tôi về tới đầu đường ở cư xá thì anh lại để tài xế quay đầu trở lại.

Thực ra trật tự an ninh của con đường tôi đi về rất tốt, khi nào cũng có người qua lại, buổi tối còn có mấy người bày quán ăn khuya.

Chỉ có ngay dưới lầu cư xá nhà tôi là không có đèn đường.

Nếu không phải do gặp được Hoàng Hồng Bân thì tôi sẽ không có bất kỳ nguy hiểm nào.

Đêm đó Trì Dã đi lấy xe đạp với tôi, lúc quay lại thì Hoàng Hồng Bân đã không còn ở đây.

Tôi mời anh đi ăn khuya ở quán ăn ven đường.

Anh vô cùng vui vẻ, luôn miệng nói đồ ăn thật là ngon, cuối cùng còn tự mình mang tiền ra thanh toán.

Hai món xào và một cái bánh, tổng cộng hơn ba mươi tệ, anh đưa cho ông chủ năm mươi, còn nói rằng không cần thối lại.

Sau đó anh đưa tôi về nhà.

Đến dưới lầu cư xá anh lại hỏi: "Rốt cuộc cậu bị sao vậy? Thật sự là bị mèo dọa sao?"

Tôi gật đầu, từ đầu đến cuối đều không nói cho anh biết chuyện gì đã xảy ra.

Thật sự quá khó để mở miệng, chẳng lẽ tôi lại nói với anh rằng nhân tình của mẹ mình chặn mình ở dưới lầu sao?

Đối với tôi mà nói, Trì Dã cũng chỉ là một bạn nam học cùng lớp bình thường mà thôi.

Sau đó đợi anh đi rồi tôi mới trở về nhà.

Trước khi vào nhà tôi còn đang suy nghĩ nên nói chuyện này với Trần Mậu Quyên thế nào cho phải.

Bà ta không phải là một người mẹ tốt, nhưng tôi tin rằng bà ta không đến mức táng tận lương tâm, bỏ qua việc này và mặc kệ không truy cứu.

Nhưng tôi tuyệt đối không thể ngờ rằng, khoảnh khắc tôi đẩy cửa nhà ra sẽ nhìn thấy Hoàng Hồng Bân đang ngồi hút thuốc trên ghế sofa nhà tôi.

Đương nhiên Trần Mậu Quyên cũng ở đó.

Tiết trời nóng bức, quạt trần treo ở bên trên cứ kêu kẽo kẹt không ngừng, nhưng không khí vẫn nặng nề như cũ, ngoại trừ mùi khói thuốc mãi không tán, thì còn có một mùi tanh nồng khó ngửi tràn ngập trong nhà.

Trần Mậu Quyên vừa tắm rửa xong, tóc vẫn còn đang nhỏ nước, áo hai dây ghì chặt hai cánh tay tròn trịa, trước ngực một mảnh trắng bóng.

Bà ta cầm khăn lau tóc, nhìn thấy tôi về còn khẽ nâng mí mắt: "Về rồi?"

Tôi thành thật, hướng nội.

Bà ta tính tình nóng nảy, từ nhỏ đến lớn bà ta đối xử với tôi không phải đánh thì chắc chắn là mắng chửi.

Là bà tôi khiến tôi biết rằng, trên đời này thật sự có người mẹ không yêu con của mình.

Bà ta chỉ yêu bản thân mình mà thôi, vậy nên tất nhiên tôi cũng sẽ không yêu bà ta.

Tôi đã cố gắng hết sức để tha thứ nhân nhượng, coi bà ta như là một người xa lạ.

Chuyện chơi bời của bà ta và ông chủ sòng mạt chược, ở quê nhà láng giềng này không ai là không hay biết.

Tôi có thể chịu đựng những lời chỉ trỏ bàn tán, nhưng tôi không thể chịu đựng được việc bà ta dẫn người về nhà.

Nhất là khi ba tôi còn đang nằm ở trên giường.

Đó là lần đầu tiên tôi mất bĩnh như thế, tôi chỉ vào bọn họ rồi hét ầm lên---

"Biến đi! Các người cút hết đi cho tôi!!"

Trần Mậu Quyên đột nhiên sửng sốt, bà ta luôn là một người nóng tính, không nói hai lời liền ném khăn mặt ra xông về phía tôi, vừa chửi vừa đẩy: "Mày kêu gào với ai đấy, mày bảo ai biến đi cơ?! Con đ ĩ non này mày nổi điên cái gì thế, mày giỏi lắm rồi!"

"Tôi bảo bà biến đi! Các người biến hết đi cho tôi!!"

Hôm đó Trần Mậu Quyên túm lấy tóc tôi, đè tôi xuống đất đánh một trận.

Hoàng Hồng Bân thấy thế, đứng dậy đi qua kéo bà ta lại.

Ông ta kéo bà ta, rồi lại giơ tay ra ôm tôi, nhìn giống như đang muốn đỡ tôi dậy nhưng thật ra ông ta đang dùng đôi bàn tay ghê tởm kia sờ loạn xạ sau lưng tôi.

Tôi dường như đã phát điên lên rồi, điên cuồng đạp ông ta nhưng lại bị ông ta bắt được cổ chân.

"Ô hay, con bé này khó dạy thật đấy."

Bọn họ có hai người, tôi lại chỉ có một, sau đó tôi quay người chạy vào phòng bếp cầm một con dao ra.

Trần Mậu Quyên chửi rủa liên tục, thay quần áo rồi dẫn Hoàng Hồng Bân đi mất.

Tôi khóc nức nở gọi điện thoại cho cô, kể cho cô nghe tất cả mọi chuyện.

Tối hôm đó cả cô và chú đều tới. Họ dẫn tôi tới sòng mạt chược dưới cư xá ầm ĩ một hồi.

Trần Mậu Quyên như một người đàn bà đanh đá, chỉ vào mặt cô rồi rủa xả, nói nếu mày có bản lĩnh thì đưa anh mày đi đi.

Cô tức giận tới mức run rẩy cả người, bảo bà ta có giỏi thì mau ly hôn đi, chỉ cần bà ta ly hôn thì ba tôi không cần bà ta chăm lo nữa, bà ta có làm chuyện mất mặt xấu hổ gì thì cũng chẳng liên quan đến nhà tôi.

Trần Mậu Quyên cười khẩy: "Đuổi tao đi à? Được thôi, căn nhà tao lấy, già trẻ mày dẫn tới nhà mày hết đi."

Nói cho cùng thì chẳng qua cũng vì ngồi nhà cũ rích hai phòng ngủ một phòng khách kia đang có đồn đãi sẽ được phá bỏ và di dời.

Sau một hồi ầm ĩ, lúc cô tôi đi miệng vẫn còn đang mắng: "Mày đòi nhà mà không muốn chăm người à, nằm mơ đi thôi! Chỉ cần mày không ly hôn thì cứ phải hầu hạ cho đàng hoàng, người còn nằm bao lâu thì mày phải hầu hạ bấy lâu, chết rồi thì tao tới tìm mày!"

Bạn nhìn xem, loại chuyện thế này thì sao mà giải quyết rõ ràng cho được, gọi cho cô cũng vô dụng, báo cảnh sát cũng không ích gì.

Điểm tốt duy nhất sau trận ồn ào này là Trần Mậu Quyên sẽ không dám dẫn người về nhà như thế nữa.

Nhưng chỗ xấu là bà ta bắt đầu suốt ngày tìm cơ hội mắng chửi rủa xả tôi: "Cái thứ không biết xấu hổ, chú Hoàng của mày thấy mày về trễ nên tốt bụng xuống lầu đón mày thôi. Mày thèm đàn ông đến nỗi điên rồi à, còn nói anh ấy chặn đường mày, hai lạng thịt trên người may thì đáng bao nhiêu tiền, đê tiện bỉ ổi!"

Ngôn từ tục tĩu khó nghe hơn bà ta cũng từng mắng rồi.

Năm đó tôi mười bảy tuổi, là một cô gái nhút nhát dễ xấu hổ, đã rất nhiều lần tôi bị bà ta mắng chửi tới mức sụp đổ.

Ba tôi chẳng qua mới nằm hai năm, nhưng có trong một khoảnh khắc tôi đã hy vọng ông mau c.hế.t đi.

Ông ấy c.hết, thì tôi có thể giải thoát.

Tôi có thể ở trường, vĩnh viễn không cần trở về gặp lại Trần Mậu Quyên nữa.

Suy nghĩ đó vừa xuất hiện thì tôi đã rơi lệ đầy mặt, một bên cầm khăn ấm lau mặt xoa tay cho ba, một bên không ngừng xin lỗi: "Con xin lỗi, con xin lỗi ba, ý của con không phải như thế..."

Ngày ấu thơ của tôi được ba che chở mà lớn, ba dẫn tôi đi mua kẹo hồ lô, ăn mì nước nguyên vị, đưa tôi đi học đón tôi về nhà...

Ông ấy chỉ là một người ba bình thường và chất phác mà thôi.

Thậm chí nếu xuất hiện kỳ tích, ông ấy có thể tỉnh lại cũng không chừng.

Mà tôi làm con gái của ông ấy, lại ác độc mà hy vọng bệnh nhân tê liệt không thể di chuyển này, nhanh nhanh c.hết sớm đi.

Chỉ cần ông ấy c.hết, tôi sẽ không cần ở trên lớp mà còn phải lo lắng không biết buổi trưa Trần Mậu Quyên có về nhà không, có mớm cơm nước cho ông ấy ăn không, có dìu ông ấy ngồi lên một chút không. Ông ấy không kiềm chế được đại tiện tiểu tiện, không biết bà ta có lau cho ông ấy không....

Lâu trước giường bệnh vô hiếu tử, thật sự đến giờ phút ấy tôi mới biết được, rằng trên đời này mỗi người đều là tục nhân.