19
Mê cung dưới lòng đất

Hai cánh cửa của Quế
- Trong nhà kia có một cái máy vi tính phải không ông Okada? Có điều tôi không biết ai dùng thôi, - Ushikawa nói. 
Lúc ấy là 9 giờ tối, tôi đang ngồi ở bàn bếp, điện thoại áp vào tai. 
- Có, - tôi nói, nhưng chỉ thế. 
Ushikawa khịt khịt mũi. 
- Tôi biết nhiều thế là nhờ thường xuyên rình rập đấy thôi. Dĩ nhiên, tôi không nói này nọ về chuyện ông có một cái máy vi tính ở đó. Thời buổi này, ai là kẻ làm việc bằng trí óc mà lại không có máy vi tính. Chẳng có gì lạ cả. 
Tuy nhiên, để khỏi dông dài, xin nói ngay rằng tôi có nảy ra ý nghĩ nếu khả dĩ liên lạc với ông bằng máy vi tính thì cũng tốt. Thế là tôi đã tìm hiểu, nhưng mẹ kiếp, việc ấy phức tạp quá trời quá đất, phức tạp hơn tôi tưởng nhiều. Chỉ quay số điện thoại thông thường thì không thể kết nối được. Hơn nữa lại phải có mật khẩu đặc biệt để truy cập. Không có mật khẩu thì cửa không mở. Thế là tôi đành chịu. 
Tôi im lặng. 
- Nào nào, đừng hiểu lầm tôi chứ ông Okada. Tôi không định chui vào trong máy của ông mà vọc đâu. Tôi không hề có ý đó. Ông đã lo bảo mật đến thế kia thì dù có muốn tôi cũng chẳng lôi dữ liệu ra được. Chuyện đó tôi chẳng bao giờ tính tới. Trước sau tôi chỉ nghĩ đến việc làm sao bố trí một cuộc trò chuyện giữa ông và cô Kumiko. Ông nhớ chứ, tôi đã hứa với ông sẽ làm chuyện đó, rằng tôi sẽ cố hết sức giúp ông và cô ấy nói chuyện trực tiếp với nhau. Cô ấy bỏ nhà đi đã lâu, cứ để mọi chuyện lửng lơ thế này thì thật không hay. Cứ kiểu này thì cuộc sống của ông chắc sẽ ngày càng kỳ quặc hơn thôi. Nói chuyện tay đôi với nhau, cởi mở với nhau bao giờ cũng là tốt nhất. Nếu không thì sẽ dễ phát sinh hiểu lầm, mà đã hiểu lầm thì thành ra bất hạnh... Dù sao tôi cũng đã cố kêu gọi cô Kumiko. Tôi đã cố hết mình. 
Nhưng tôi không làm sao cho cô ấy đồng ý được. Cô ấy khăng khăng một mực rằng sẽ không nói chuyện trực tiếp với ông, thậm chí bằng điện thoại cũng không (bởi gặp trực tiếp thì hiển nhiên là không rồi). Cả bằng điện thoại cũng không?Suýt nữa tôi đã chịu thua rồi. Tôi đã thử hết mánh khóe trong sách vở, nhưng ý cô ấy đã quyết. Rắn như đá ấy. 
Ushikawa ngừng nói để xem tôi phản ứng ra sao, nhưng tôi chẳng nói gì. 

- Thế nhưng tôi cũng không thể cô ấy nói gì thì chỉ biết thế mà đành bó tay. Tiến sĩ Wataya sẽ quở tôi ra trò nếu tôi hành xử kiểu đó. Người kia có thể rắn như đá, nhưng tôi sẽ phải tìm ra một điểm dung hòa tí ti nào đó. Việc của chúng tôi là vậy: tìm ra điểm dung hòa. Nếu người ta không chịu bán cái tủ lạnh cho ta thì ít nhất hãy làm sao cho họ chịu bán ít nước đá. Thế là tôi vắt óc tìm xem có cách nào không. Nghĩ ra hàng triệu ý tưởng khác nhau, chính cái ấy làm chúng ta thành người đấy ông ạ. Thế rồi đùng một cái, một ý tưởng thật hay bật ra trong cái đầu mụ mị của tôi, như ngôi sao lóe lên giữa những đám mây vậy. "Đây rồi!" tôi tự nhủ. "Sao lại không nói chuyện trên màn hình vi tính chứ?" Ông biết đó, dùng bàn phím gõ câu chữ lên màn hình ấy mà. Ông làm vậy được chứ phải không, ông Okada? 
Hồi làm ở hãng luật tôi có dùng máy vi tính để nghiên cứu các trường hợp tiền lệ, tìm dữ liệu cá nhân cho khách hàng và liên lạc qua e-mail. Kumiko cũng dùng máy vi tính ở sở làm. Tạp chí về thức ăn dưỡng sinh nơi nàng làm biên tập có nhiều file lưu trong máy tính về thực đơn các món ăn và phân tích thành phần dinh dưỡng. 
- Không phải máy tính cũ nào cũng làm được đâu, - Ushikawa nói tiếp, - nhưng với máy chúng tôi và máy của ông thì ông và cô Kumiko có thể liên lạc với nhau bằng tốc độ khá nhanh. Cô Kumiko nói cô ấy sẵn sàng liên lạc với ông bằng cách đó. Tôi chỉ thuyết phục được cô ấy đồng ý đến thế thôi. Trao đổi thông điệp theo thời gian thực thì cũng gần như nói chuyện trực tiếp với nhau. Đó là điểm dung hòa cuối cùng tôi có thể tìm ra được. Vắt kiệt cái con khỉ này mới ra được ngần ấy thông thái đấy. Ông nói sao nào? Có thể ông thấy ý tưởng này chẳng có gì ghê gớm, nhưng tôi thì đến rạc cả óc mới nghĩ ra được đấy. Xin thưa với ông, phải động não đến cỡ đó trong khi ngay cả não mình cũng chẳng có thì mệt lắm! 
Tôi chuyển ống nghe sang tay trái. 
- Alô, ông Okada? Ông vẫn đang nghe đấy chứ? 
- Tôi đang nghe đây, - tôi nói. 
- Tốt, vậy thì thế này: cái duy nhất tôi cần ở ông là mật khẩu để truy cập máy tính của ông. Được vậy thì tôi sẽ bố trí được một buổi nói chuyện giữa ông và cô Kumiko. Ý ông thế nào? 
- Tôi thì thấy có vài cái khó, về thực tiễn. 
- Ồ, khó khăn gì mới được chứ? 
- Trước hết, làm sao tôi biết chắc đó là Kumiko? Khi trò chuyện trên màn hình vi tính, ta không thấy được mặt hay nghe giọng nói của người kia. Một ai khác có thể ngồi ở bàn phím vờ là Kumiko chứ. 
- Tôi hiểu ý ông, - Ushikawa nói, giọng có vẻ chịu là tôi nói phải. - Tôi chưa hề nghĩ tới điều đó. Nhưng tôi tin chắc là phải có cách giải quyết. Không phải nịnh ông đâu, nhưng luôn nhìn sự vật một cách hoài nghi, luôn nghi ngờ như ông là rất tốt. "Tôi hoài nghi, vì vậy tôi tồn tại". Được thôi, vậy chuyện này xử lý thế nào? Trước tiên ông hãy hỏi một câu mà chỉ mình Kumiko mới trả lời được. Nếu người kia trả lời được thì đó phải là Kumiko. Ý tôi là ông với cô ấy sống với nhau đã mấy năm thì hẳn phải có vài điều chỉ hai người biết với nhau thôi. 
Điều Ushikawa vừa nói xem ra có lý. 
- Thế thì chắc là được, - tôi nói. - Nhưng tôi không biết mật khẩu. Tôi chưa đụng tới cái máy đó bao giờ.
° ° °

Nhục đậu khấu có bảo tôi, Quế đã điều chỉnh từng xăngtimét của hệ thống máy tính theo ý thích của anh. Anh ta đã chế ra cơ sở dữ liệu riêng đầy phức tạp của mình và cài đặt một mã bí mật cùng nhiều phương sách tài tình khác để ngăn không cho người ngoài truy cập. Mười ngón tay đặt trên bàn phím, Quế là kẻ thống trị tuyệt đối cái mê cung ba chiều dưới lòng đất này. Anh ta biết rõ từng đường đi lối lại trong cái mớ bòng bong những đường ngang ngõ tắt ấy, chỉ cần một cú nhấn phím là có thể dễ dàng nhảy từ đường này đến lối kia. Đối với một kẻ ngu ngơ xâm nhập vào đây (nghĩa là bất cứ ai khác ngoài Quế), thì để mò được đường trong cái mê cung này, vượt qua hết các chốt báo động và cạm bẫy đặng tìm ra nơi chứa dữ liệu quan trong thì phải mất hàng tháng trời, theo lời Nhục đậu khấu. Ấy thế mà cái máy đặt ở Dinh không lấy gì làm quá lớn, nó chỉ cùng loại với máy đặt ở văn phòng tại Akasaka thôi. Tuy nhiên, cả hai đều được nối mạng với máy chủ ở nhà họ. Nhất định là ở đó Quế lưu dữ liệu về khách hàng và tiến hành hệ thống kế toán kép phức tạp của hai mẹ con, nhưng tôi cho rằng ngoài những bí mật liên quan đến công việc mà anh ta và Nhục đậu khấu đã làm nhiều năm qua, anh ta còn lưu ở đó một cái gì hơn thế nữa. 
Sở dĩ tôi tin như vậy là xét qua mức độ gắn bó sâu sắc giữa Quế với chiếc máy vi tính mà có lần tôi đã tình cờ thấy được khi anh ta nán lại Dinh của chúng tôi. Thường thì mỗi khi ngồi trong phòng làm việc riêng của mình ở đó, anh ta đều đóng kín cửa, nhưng thi thoảng anh ta lại để cửa he hé nhờ vậy tôi có thể quan sát anh ta làm việc, dù không phải không có chút cảm giác tội lỗi khi tọc mạch dòm vào chỗ riêng tư của người ta. Anh ta và chiếc máy vi tính dường như cũng chuyển động trong một mối thống nhất gần như là nhục cảm. Sau khi gõ một loạt phím, anh ta nhìn đăm đăm vào màn hình, miệng anh ta méo đi lộ vẻ bất bình hoặc cong lên hao hao giống nụ cười. Đôi khi anh có vẻ trầm ngâm suy nghĩ, tay gõ một phím, một phím khác, rồi một phím khác nữa; đôi khi anh lướt ngón tay rào rào trên các phím với toàn bộ nội lực của một dương cầm thủ đang chơi một bản étude của Liszt. Trong khi đắm mình vào cuộc đàm thoại câm lặng với chiếc máy tính, dường như anh đang nhìn thấu qua màn hình để thấy một thế giới khác, cái thế giới có mối liên quan mật thiết đặc biệt với anh. Tôi không thể không cảm thấy, thực tại đối với anh là ở cái mê cung dưới lòng đất của anh hơn là ở thế giới trên mặt đất này. Có lẽ trong thế giới đó Quế có một giọng nói rõ ràng, sang sảng, bằng giọng đó anh nói năng hùng biện, bằng giọng đó anh cười lớn tiếng và thét vang lên.
° ° °
- Liệu tôi có thể truy cập máy của ông từ máy ở đây không? - tôi hỏi Ushikawa. - Làm vậy thì ông không cần mật khẩu. 
- Không, thế không được. Thông điệp của ông có thể đến đây, nhưng thông điệp từ đây thì không đến đó được. Vấn đề là ở mật khẩu, ở cái câu "Vừng ơi mở ra" ấy. Không có nó thì ta chẳng làm gì được. Cửa sẽ không mở ra cho sói, dù sói có ra sức nhại giọng đến đâu. Nó có thể gõ cửa nói: "Chào, mình là bạn Thỏ đây", nhưng nếu không có mật khẩu thì sẽ bị cấm cửa thôi. Đây là chuyện khóa trinh tiết kia mà. 
Ushikawa quẹt diêm châm thuốc ở đầu dây bên kia. Tôi hình dung hai hàm răng khấp khểnh vàng khè và cái mồm móm xọm của y. 
- Đó là một mật khẩu gồm ba ký tự, chữ cái hay chữ số. Ông có mười phút để nhập mật khẩu sau khi con trỏ nhắc. Nhập sai ba lần thì sẽ bị từ chối truy cập, thêm nữa sẽ có báo động. Chả phải còi hụ hay gì gì đâu, nhưng sói đã để lại dấu chân thì người ta ắt biết là nó đã chui vào. Khôn ngoan quá hử? Ông cứ thử tính có bao nhiêu cách hoán vị và kết hợp giữa hai mươi bốn chữ cái và mười chữ số xem, có mà vô số. Ông phải biết mật khẩu, không thì chẳng làm gì được. 
Tôi suy nghĩ một chút, không trả lời. 
- Ông Okada có ý gì không?
° ° °
Chiều hôm sau, khi vị khách đã ngồi trên băng sau chiếc Mercedes để ra về, tôi đến chỗ phòng làm việc nhỏ của Quế, ngồi xuống trước máy vi tính của anh ta rồi bật máy. Ánh sáng xanh dương dịu mát của màn hình hiện lên với một thông điệp duy nhất: 
Nhập mật khẩu trong vòng mười giây. 
Tôi nhập mật khẩu gồm ba chữ mà tôi đã chuẩn bị sẵn: 

zoo 
Máy tính kêu bíp một lần rồi hiển thị thông báo lỗi: 
Mật khẩu không đúng. 
Nhập mật khẩu đúng trong vòng mười giây. 
Mười giây bắt đầu được đếm ngược trên màn hình. Tôi chuyển sang chữ hoa và nhập cũng những ký tự đó. 
ZOO 
Một lần nữa máy lại từ chối cho tôi truy nhập: 
Mật khẩu không đúng. 
Nhập mật khẩu đúng trong vòng mười giây. 
Nếu nhập sai mật khẩu một lần nữa thì sẽ bị cấm truy nhập. 
Một lần nữa mười giây lại được đếm ngược trên màn hình. Lần này tôi chỉ dùng ký tự hoa cho z. Đây là cơ hội chót của tôi. 
Zoo 
Thay vì thông báo lỗi, một màn hình mệnh đơn xuất hiện với hướng dẫn: 
Chọn một trong các chương trình sau. 
Tôi chọn "Chat Mode" rồi nhấp chuột. 
Nhập mật khẩu trong vòng mười giây. 

Đây là một đầu mối quan trọng để Quế ngăn không cho người ngoài xâm nhập vào máy. Mà nếu đầu mối đã quan trọng thì bản thân mật khẩu cũng phải quan trọng. Tôi gõ vào: 
SUB 
Màn hình hiển thị: 
Mật khẩu không đúng. 
Nhập mật khẩu đúng trong vòng mười giây. 
Máy bắt đầu đếm ngược: 10, 9, 8... 
Tôi thử dùng kết hợp giữa chữ hoa và chữ thường mà lần trước đã có hiệu quả: 
Sub 
Một câu nhắc xuất hiện trên màn hình: 
Nhập số điện thoại. 
Tôi khoanh tay trước ngực, nhìn đăm đăm vào cái thông điệp này. Không tệ lắm. Tôi đã mở thành công hai cánh cửa trong mê cung của Quế. Không, không tệ một chút nào. "Zoo" và "Sub" 1 là vào được. Tôi nhấp "Exit" rồi quay lại màn hình chính, sau đó chọn "Shutdown", khi đó màn hình hiển thị thông điệp: 
Lưu các thao tác lần này vào file tác vụ? Y/N (Y) 
Theo chỉ dẫn của Ushikawa, tôi chọn "No" để tránh lưu lại dấu vết về những thao tác mà tôi vừa tiến hành. 
Màn hình lặng lẽ tắt. Tôi quệt mồ hôi trán. Sau khi kiểm tra xem mình đã đặt bàn phím và con chuột về đúng vị trí cũ chưa, tôi rời khỏi cái màn hình giờ đã lạnh.
-------------------------------- 1 Zoo là vườn thú, còn "sub" là âm tiết đầu của submarine, tàu ngầm. Hiển nhiên, Okada Toru đã lường trước được rằng "vườn thú" và "tàu ngầm", hai chi tiết quan trọng trong những câu chuyện của bà Akasaka Nhục đậu khấu kể cho Quế nghe, ắt phải có cái gì đó rất quan trọng, thậm chí quan trọng bậc nhất đối với Quế, nên mật khẩu truy cập máy tính của Quế hẳn cũng không nằm ngoài những thứ này - ND.