10
Mát tay

Chết trong bồn tắm

Sứ giả trao kỷ vật
Vợ chồng tôi chuyển đến căn nhà đang sống hiện nay kể từ mùa hè năm thứ hai sau khi lấy nhau. Căn hộ ở Koenji mà chúng tôi vẫn sống trước đó đã bị san phẳng để xây dựng lại. Chúng tôi tìm một căn hộ vừa rẻ tiền vừa tiện nghi để chuyển đi, nhưng với túi tiền của chúng tôi thì tìm một chỗ như vậy không dễ. Khi ông cậu tôi biết chuyện đó, ông liền đề nghị chúng tôi chuyển đến sống ở căn nhà của ông tại Setagaya. Căn nhà này ông mua từ hồi còn trẻ và từng sống ở đó mười năm. Ông muốn dỡ căn nhà cũ để xây một căn nhà mới đa chức năng hơn, nhưng quy chuẩn kiến trúc không cho phép ông xây đúng kiểu nhà ông muốn. Nghe đồn rằng quy định sẽ được nới lỏng; ông sẵn sàng đợi tới khi đó, nhưng nếu bỏ không căn nhà trong suốt thời gian đó thì ông vẫn phải nộp thuế, mà nếu cho người lạ thuê thì nhỡ đâu khi cần đòi nhà người ta lại không chịu đi. Ông chỉ cần chúng tôi trả tiền nhà đủ để nộp thuế, song đổi lại chúng tôi phải dọn đi trong vòng ba tháng khi nào ông yêu cầu. Chúng tôi chẳng có gì phản đối: chuyện thuế thiếc này nọ thì chúng tôi không rõ lắm, nhưng chúng tôi chộp ngay cơ hội này để được sống trong một căn nhà ra nhà, dù chỉ trong một thời gian không lâu, mà chỉ phải trả tiền thuê nhà như khi sống trong một căn hộ (mà là căn hộ rẻ tiền nữa chứ). Căn nhà ở rất gần bến xe gần nhất trên tuyến Odakyu, nhưng khu dân cư quanh đó rất chi là yên tĩnh, đã vậy lại còn có một khoảnh vườn nhỏ. Cho dù căn nhà không phải của chúng tôi, nhưng ngay khi dọn về, nó lập tức cho chúng tôi cảm giác từ nay chúng tôi thực sự là "gia chủ". 
Ông cậu này, em của mẹ tôi, chẳng bao giờ đòi hỏi gì ở chúng tôi. Hẳn vì ông vốn là người tử tế, nhưng kiểu ông để mặc chúng tôi có cái gì đó hơi kỳ quặc. Dẫu sao, trong tất cả những người bà con, ông là người tôi yêu quý nhất. Ông từng tốt nghiệp một trường ở Tokyo rồi làm nghề phát thanh viên radio, nhưng được mười năm, một hôm ông tuyên bố "Đủ rồi!", đoạn ông thôi việc ở đài phát thanh mà đi mở một quán bar ở khu Ginza. Quán nhỏ và khiêm nhường thôi, nhưng lại rất nổi tiếng nhờ những món cocktail độc nhất vô nhị, và chỉ trong vài năm ông cậu đã có trong tay cả một loạt quán bar và nhà hàng. Mọi cơ sở của ông đều làm ăn hết sức phát đạt, dường như ông quả thật có duyên làm kinh doanh. Có lần, hồi tôi còn đi học, tôi đã hỏi tại sao ông đi đến đâu là thành công đến đó như vậy. Tại sao, cùng một địa điểm ở Ginza mà kẻ khác mở nhà hàng là thất bại, đến lượt ông mở cùng một loại nhà hàng đó thì lại thành công đến thế? Tại sao vậy? Ông liền xòe hai lòng bàn tay ra trước mặt tôi mà nói: "Cậu vốn mát tay mà", ông chỉ nói thế. Xét vẻ nghiêm trang của ông, tôi hiểu ông không đùa. 
Có thể ông quả là "mát tay" thật, nhưng ông còn có cái tài tìm được những người có năng lực để làm việc cho ông. Ông trả lương cho họ rõ cao và đối xử với họ tử tế, đổi lại họ làm việc cho ông hết lòng hết dạ. "Mỗi khi cậu tìm được đúng người, cậu dúi ngay vào tay anh ta một nắm tiền và cho anh ta làm đúng sở trường của mình", có lần ông bảo tôi. "Cái gì mua được bằng tiền thì phải bỏ tiền mua, đừng đắn đo hơn thiệt. Hãy để dành tâm lực cho những cái mà tiền không mua được". 
Ông lấy vợ muộn. Chỉ khi đã khá thành công về tài chính ở độ tuổi ngoài bốn mươi, ông mới chịu yên bề gia thất. Vợ ông từng ly dị chồng, trẻ hơn ông ba bốn tuổi và cũng có tài sản kha khá. Cậu chưa bao giờ kể cho tôi nghe đã gặp bà như thế nào, tôi chỉ có thể nói bà thuộc loại người trầm lặng, gia đình nền nếp. Họ không có con. Với người chồng trước bà cũng chẳng có con, có lẽ vì vậy mà hai vợ chồng ly dị. Dù thế nào thì thế, vào tuổi ngoại tứ tuần, cậu tôi giàu thì chưa hẳn đã giàu nhưng cũng không phải đầu tắt mặt tối vì chuyện tiền nong nữa. Ngoài lợi nhuận từ mấy nhà hàng và quán bar, ông còn có thu nhập từ mấy ngôi nhà và căn hộ cho thuê, lại còn lợi tức đều đặn từ mấy khoản đầu tư nữa. Dòng họ tôi, vốn mang truyền thống coi trọng những nghề danh giá và lối sống thanh bạch, có khuynh hướng coi cậu tôi như một thứ chiên ghẻ, trong khi bản thân ông cũng chẳng mặn mà gì với bà con họ hàng. Tuy nhiên, là cháu trai của ông, tôi luôn được ông quan tâm chăm sóc, nhất là sau khi mẹ tôi mất đúng vào năm tôi vào đại học và tôi đâm ra bất hòa với cha từ khi ông tục huyền. Khi tôi sống đời sinh viên nghèo kiết, một thân một mình ở Tokyo, cậu thường cho tôi ăn cơm tại một trong các nhà hàng của ông ở khu Ginza. 
Hiện nay cậu tôi cùng vợ đang sống ở một căn hộ trên đồi ở Azabu, chả là ông cho rằng sống trong một biệt thự thì phiền phức quá. Tính ông không ưa xa hoa, nhưng ông cũng có một sở thích riêng. Đó là chơi xe quý hiếm. Ông có một chiếc Jaguar và một chiếc Alpha Romeo trong ga-ra, cả hai đều rất cổ, được chăm chút cực kỳ cẩn thận, ngời sáng như những đứa trẻ mới chào đời.

° ° °
Có lần, trong khi nói chuyện với cậu qua điện thoại về một chuyện khác, tôi nhân cơ hội hỏi xem ông biết gì về gia đình Kasahara May. 
- Cháu bảo là Kasahara à? - Ông ngẫm nghĩ một chút. - Cậu chưa nghe bao giờ. Hồi sống ở đó cậu chưa lập gia đình, chẳng đi lại gì với hàng xóm xung quanh hết. 
- Thật ra, cháu quan tâm là quan tâm tới căn nhà đối diện nhà họ cơ, cái nhà bỏ không bên kia ngõ, nhìn sang sân sau nhà Kasahara ấy, - tôi nói. - Nghe đâu hồi trước có người tên là Miyawaki sống ở đấy. Nay thì cửa đóng im ỉm. 
- À, Miyawaki, ông ấy thì cậu biết. Hồi trước ông ấy có mấy cái nhà hàng kia. Có một cái cũng ở khu Ginza. Cậu gặp ông ấy vài lần vì công việc. Nhà hàng của ông ấy, nói thật với cháu, cũng làng nhàng thôi, nhưng địa thế thì tuyệt, làm ăn cũng được. Ông ta tính người cũng dễ chịu, nhưng có phần cậu ấm thế nào ấy. Hoặc cả đời ông ta chưa bao giờ biết làm lụng vất vả là gì, hoặc ông ta không nắm bắt được công việc, cậu chẳng biết, nhưng ông ta chưa bao giờ thực sự trưởng thành. Ai đó rỉ tai nói ngon nói ngọt với ông ta, thế là ông ta dốc hết tiền của ra mua những cổ phiếu đáng ngờ, thế là mất sạch sành sanh - nhà cửa, đất đai, nhà hàng, mất hết. Mà đã xui lại còn xui tận mạng: đúng lúc ông ta đang muốn mở nhà hàng mới nên đã đem thế chấp cả nhà, cả đất. Khác nào ông ta vừa dỡ đi cây cọc chống rào thì gió bỗng nổi lên, thế là sụp hết. Cậu nhớ đâu như ông ấy có hai đứa con gái đang tuổi đi học. 
- Hẳn là ngôi nhà bị bỏ hoang từ đó đến nay, - tôi nói. 
- Cháu bảo sao? Thật thế à? Vậy thì chắc người ta đã tịch biên nhà cửa với gia sản của ông ấy rồi. Cháu đừng có mà mua cái nhà ấy, dù người ta chào giá hời đến đâu đi nữa. 
- Ai kia? Cháu ấy à? - tôi phá lên cười. - Cháu làm gì có tiền mua cái nhà như thế cơ chứ. Nhưng sao cậu nói vậy? 
- Hồi mới mua nhà, ban đầu cậu đã xem cái nhà ấy kia. Nó có cái gì đó không ổn. 
- Ý cậu là nhà có ma? 
- Ma hay không chưa biết, nhưng cậu chưa hề nghe một chuyện gì tốt lành về cái nhà ấy cả, - cậu tôi nói. - Hồi trước chiến tranh có một ông sĩ quan khá tiếng tăm từng sống ở căn nhà đó. Đại tá gì gì ấy, sĩ quan cao cấp hẳn hoi. Quân đội dưới trướng ông ta ở Bắc Trung Hoa giành được đủ thứ huy chương, nhưng cũng làm nhiều chuyện kinh khủng ở đó, chẳng hạn như thủ tiêu năm trăm tù binh, buộc hàng vạn nông dân phải lao động khổ sai cho đến khi tới một nửa chết rục, vân vân. Người ta đồn đại những chuyện như thế, thực hư chẳng biết thế nào. Ngay trước khi chiến tranh chấm dứt ông ta bị triệu hồi về nước, khi Nhật đầu hàng thì ông ta đang ở Tokyo, và với từng ấy chuyện thì cầm chắc ông ta phải ra tòa án binh. Những vị nào tướng tả, nào sĩ quan từng tác oai tác quái ở Trung Hoa đều bị quân cảnh Mỹ lôi đi tuốt. Ra tòa thì ông ta không muốn. Ông ta không muốn bị bêu ra trước bàn dân thiên hạ, có khi còn bị treo cổ không chừng. Ông ta thà tự kết liễu đời mình còn hơn để điều đó xảy ra. Thế là một ngày kia, vừa thấy một tay quân cảnh Mỹ đỗ xịch xe jeep trước cửa nhà, ông ta bèn tự bắn vỡ sọ ngay tại chỗ. Lẽ ra ông ta thích tự rạch bụng theo lối samurai truyền thống hơn nhưng không đủ thì giờ. Vợ ông ta thì treo cổ trong bếp để "theo" ông ta về cõi chết. 

- Chao ôi! 
- Sau đó người ta mới biết, hóa ra đó chỉ là một tên quân cảnh mèng đang đi tìm con bồ. Hắn đi lạc, muốn hỏi đường. Cháu cũng biết rồi còn gì, hễ đã vào khu ấy là tìm đường cực khó. Biết được khi nào là lúc mình chết, chuyện đó không đơn giản đâu, ai cũng vậy thôi. 
- Đúng đấy ạ. 
- Sau đó căn nhà bị bỏ trống một thời gian, cho đến khi có một nữ minh tinh điện ảnh mua lại. Tên bà ấy chắc cháu không biết đâu. Bà ta đóng phim từ lâu rồi, vả lại cũng chẳng lấy gì làm nổi tiếng cho lắm. Bà ta sống ở đấy chừng mười năm gì đó. Bà ta độc thân, chỉ sống với cô hầu gái thôi. Vài năm trước khi chuyển đến nhà đó, bà ta mắc một chứng bệnh gì đấy về mắt. Bà ta nhìn cái gì đó, dù ở rất gần, cũng như trong màn sương. Nhưng nói gì thì nói, bà ta là nghệ sĩ: bà ta không thể đeo kính mà đóng phim được. Mà kính sát tròng thì hồi đó còn mới mẻ quá, chẳng tốt lắm, nên hầu như không ai dùng. Thành thử trước khi đóng cảnh nào, bà ta luôn luôn đến chỗ trường quay để học thuộc lòng xem mình đi từ A đến B, chẳng hạn từ tường đến cửa thì phải mất bao nhiêu bước. Nói chung bà ta vẫn thu xếp cách nào đó được, vì đó chỉ là những bộ phim cũ của hãng Shochiku, khá đơn giản, cảnh quay toàn trong nhà thôi. Hồi đó cái gì cũng thoải mái hơn bây giờ. Thế rồi một hôm, sau khi bà ta đã kiểm tra kỹ địa điểm quay rồi trở lại phòng thay đồ, có một tay quay phim trẻ không biết ất giáp gì nên đã di chuyển cái này một tí, cái kia một tí. 
- Ôi trời ơi! 
- Bà ta bước hụt chân, trượt ngã, sau đó thì không đi lại được nữa. Và thị lực của và ta càng tồi tệ hơn, đến gần như mù hẳn. Tội nghiệp: bà ta vẫn còn trẻ, vừa trẻ lại vừa đẹp. Dĩ nhiên là chẳng đóng phim đóng phiếc gì nữa. Bà ta chỉ còn làm được mỗi một việc là ngồi nhà. Thế rồi cô hầu gái cuỗm sạch tiền của bà ta mà bỏ trốn với một tay nào đó. Đó là cô hầu gái mà bà ta tin tưởng, bà ta cậy nhờ từ những việc cỏn con, thế mà nó cuỗm hết của bà ta: nào cổ phiếu, nào tiền tiết kiệm, khoắng sạch. Chuyện thật khủng khiếp! Cháu thử nghĩ xem bà ta làm gì nào? 
- Chắc hẳn là kết cục không thể tốt lành gì phải không ạ? 
- Hẳn thế rồi, - cậu tôi nói. - Bà ta vặn nước đầy bồn tắm, vục mặt vào để tự sát. Tự cháu hiểu rồi đó, phải quyết tâm mạnh mẽ đến nhường nào thì mới có thể chết như vậy. 
- Chẳng có gì tươi sáng hạnh phúc cả. 
- Hẳn là thế, chẳng có gì tươi sáng hạnh phúc cả. Ít lâu sau thì Miyawaki mua căn nhà ấy. Nhà thì rõ là đẹp, ai thấy mà chẳng thích. Xung quanh toàn những người đàng hoàng, nhà xây trên chỗ cao, nhiều ánh nắng, khuôn viên rộng rãi. Nhưng Miyawaki cũng nghe nói về những chuyện thê lương xảy ra với những người từng sống ở đó. Thế là ông ta giật sập nhà, trốc móng lên, xây lại một căn nhà mới. Thậm chí ông ta còn mới mấy tu sĩ Thần đạo đến để thanh tẩy nhà, xua đuổi tà ma. Nhưng chắc là chẳng ăn thua gì. Ai sống ở đó rồi cũng gặp toàn chuyện rủi. Trên thế gian này có những nơi như vậy, thế thôi. Cho không cậu cũng chả lấy.

° ° °
Mua hàng ở siêu thị về, tôi sắp xếp các thức để chuẩn bị làm bữa tối. Sau đó tôi mang quần áo giặt vào nhà, xếp lại cẩn thận, cho vào tủ. Trở lại bếp, tôi pha một tách cà phê. Ngày hôm nay thật thanh bình, điện thoại không reo lấy một lần. Tôi duỗi người trên đi-văng đọc sách. Chẳng ai quấy rầy tôi. Thỉnh thoảng con chim vặn dây cót lại kêu dưới sân sau. Đó là âm thanh duy nhất tôi nghe thấy trong cả ngày hôm đó. 
Lúc 4 giờ chiều có ai đó nhấn chuông cửa. Đó là người đưa thư. "Thư lưu ký", anh ta vừa nói vừa đưa tôi một phong bì dày. Tôi cầm lấy rồi đóng con dấu của mình lên tờ biên nhận. 
Đây không phải một phong bì bình thường. Nó làm bằng loại giấy gạo kiểu xưa; người gửi đã rất kỳ công điền tên và địa chỉ của tôi bằng bút lông, với những nét to, đen. Tên người gửi ở mặt sau phong bì là Mamiya Tokutaro, địa chỉ là đâu đó ở tỉnh Hiroshima. Cả cái tên này lẫn cái địa chỉ này, tôi hoàn toàn mù tịt. Song xét theo nét chữ bút lông, ông Mamiya Tokutaro này là người trọng tuổi. Ngày nay hầu như không ai còn viết được như thế nữa. 
Tôi ngồi trên sofa, dùng kéo rạch phong bì ra. Cả bức thư cũng theo kiểu cổ như chiếc phong bì, viết trên giấy gạo bằng thứ chữ lưu loát của một người rõ ràng có học thức. Bản thân tôi thiếu một nền tảng học thức như vậy nên đọc rất chật vật. Đã vậy lời lẽ cũng theo lối cổ như chữ viết, cực kỳ lễ phép rườm rà, khiến đã khó đọc càng thêm khó, nhưng dần dần tôi cũng nắm được ý chung. Thư viết rằng ông Honda, nhà chiêm tinh mà trước kia Kumiko và tôi vẫn năng thăm viếng, đã qua đời hai tuần trước tại nhà riêng ở Meguro vì một cơn đau tim. Ông sống một mình, không có ai bên cạnh vào lúc lâm chung, nhưng các bác sĩ cho rằng ông đi nhanh, không quá đau đớn - âu là trong bất hạnh cũng có cái đó là may mắn vậy. Sáng ra bà giúp việc mới phát hiện ông đã chết, gục mặt xuống chiếc bàn thấp đặt trên lò sưởi chân. Người viết thư, ông Mamiya Tokutaro, từng đóng quân ở Mãn Châu với hàm trung úy, từng vào sinh ra tử cùng trung sĩ Honda Oishi nơi chiến địa. Giờ đây, theo di nguyện của người đã khuất, và do Honda không có ai là bà con thân thích còn sống sót, ông Mamiya nhận trách nhiệm trao lại những di vật của người quá cố. Trước khi chết, chính Honda đã để lại những hướng dẫn cực kỳ cẩn thận về việc này. "Bản di chúc rất ư chi tiết và tỉ mỉ cho thấy ông Honda đã dự cảm mình sắp chết. Di chúc ghi rõ rằng ông Honda sẽ vô cùng sung sướng nếu ông Okada Toru vui lòng nhận một vật nho nhỏ làm kỷ vật về ông ấy. Tôi có thể hình dung ông bận rộn đến thế nào, thưa ông Okada, nhưng, với tư cách một chiến hữu từng đồng cam cộng khổ với người đã khuất, bản thân cũng chỉ còn sống được dăm năm nữa thôi, tôi xin cam đoan với ông rằng tôi sẽ còn sung sướng hơn thế nữa nếu ông có thể vui lòng nhận ón quà mọn này như một di vật nho nhỏ để nhớ về ông Honda quá cố." Cuối thư là địa chỉ tạm trú của ông Mamiya tại Tokyo, tại nhà một người nào đó cũng tên là Mamiya ở khu 2, Hongo, quận Bunkyo. Chắc ông ta đang tá túc ở nhà một người quen. 
Tôi viết thư phúc đáp ở bàn bếp. Tôi đã định dùng lời lẽ ngắn gọn, giản dị, nhưng khi đã cầm lấy bút, mấy câu vắn tắt ấy không sao tuôn ra được. "Tôi đã rất may mắn được quen biết ông Honda quá cố, dù không lâu nhưng sinh thời ông tôi đã chịu ơn ông nhiều. Được tin ông ấy không còn nữa, ký ức về những ngày ấy lại tràn ngập lòng tôi. Dĩ nhiên, tuổi tác hai chúng tôi chênh lệch, chúng tôi gặp nhau cũng chỉ trong vòng vỏn vẹn một năm, nhưng tôi luôn cảm thấy ở người quá cố có một cái gì đó làm lay động sâu sắc trái tim con người. Thật lòng mà nói, tôi không thể nào ngờ ông Honda sẽ nêu đích danh tôi để nhận một kỷ vật từ ông ấy, tôi cũng chẳng dám tin mình xứng đáng nhận của ông ấy dù bất cứ cái gì, nhưng nếu đó là ý nguyện của người quá cố thì nhất định rằng tôi sẽ xin cung kính chấp nhận. Mời ông liên lạc với tôi bất cứ lúc nào tiện cho ông." 
Khi thả tấm bưu thiếp vào hộp thư gần nhất, tôi chợt nhận ra mình đang lẩm bẩm bài thơ của ông Honda: 
Chết là cách duy nhất 
để mi được bơi tự do 
Nomonhan.
° ° °
Mãi gần 10 giờ tối Kumiko mới đi làm về. Nàng đã gọi điện từ trước 6 giờ để báo rằng hôm nay nàng sẽ lại về muộn, rằng tôi cứ ăn một mình, còn nàng thì sẽ ăn tạm đâu đó ở ngoài. Được thôi, tôi nói, đoạn làm một bữa tối đơn giản rồi ngồi ăn. Một lần nữa tôi lại ngồi nhà một mình đọc sách. Khi về, Kumiko nói nàng muốn uống vài hớp bia. Chúng tôi cùng uống một lon cỡ vừa. Nàng có vẻ mệt mỏi. Tì cùi chỏ trên mặt bàn, nàng tựa cằm lên hai bàn tay, năm thì mười họa mới lên tiếng trong khi tôi nói chuyện. Nàng có vẻ bị quá tải. Tôi kể với nàng rằng ông Honda đã chết. - Ồ, thật sao? - nàng vừa nói vừa thở dài. "Mà phải, ông ấy già quá rồi, lại gần như điếc nữa còn gì." Khi tôi nói rằng ông có để lại cho tôi một kỷ vật, nàng bị sốc, như thể có cái gì đó đột ngột từ trên trời rơi xuống vậy. 

- Cho anh á? - nàng kêu lên, mày nhíu lại. 
- Ừ. Lạ quá phải không? 
- Hẳn là ông ấy thích anh. 
- Sao có chuyện đó được? Anh có bao giờ thật sự trò chuyện với ông ấy đâu, - tôi nói. - Ít nhất là phần anh hầu như chẳng nói gì nhiều. Mà dù anh có nói, ông ấy cũng có nghe được gì đâu. Chúng mình bao giờ cũng chỉ ngồi nghe ông ấy kể chuyện, mỗi tháng một lần. Mà hầu như ông ấy chỉ kể chuyện trận Nomonhan thôi: nào họ ném cocktail Molotov, xe tăng nào cháy xe nào không, đại loại thế. 
- Em không biết, - Kumiko nói. - Ắt là ông ấy phải thích cái gì đó ở anh. Em không hiểu những người như vậy trong đầu họ nghĩ gì. 
Sau đó nàng lại im lặng. Im lặng thật căng thẳng sao đó. Tôi liếc nhìn lịch treo tường. Vẫn chưa đến kỳ của nàng. Hẳn có chuyện gì khó chịu xảy ra với nàng ở cơ quan chăng? 
- Em làm mệt quá phải không? - tôi hỏi. 
- Một chút thôi, - Kumiko nói sau khi nhấp một ngụm bia rồi nhìn đăm đăm vào chỗ bia còn lại trong cốc. Giọng nàng gần như có vẻ thách thức. - Em xin lỗi vì đã về muộn như thế, nhưng anh cũng biết làm báo thì bận rộn ra sao rồi. Với lại có phải bao giờ em cũng bận thế đâu. Ấy là em đã xin được làm thêm ít hơn mọi người rồi đấy. Họ biết em có chồng đang đợi ở nhà mà. 
Tôi gật đầu. 
- Anh không trách gì em. Anh biết rằng thỉnh thoảng em phải làm muộn. Anh chỉ lo em làm quá sức thôi. 
Nàng tắm rất lâu. Tôi vừa uống bia vừa lật qua tờ tuần san mà nàng mua về.