Cuối tháng 7 năm 2010, năm ấy Trần Minh Nguyệt 16 tuổi, cô lên lớp 11. Khi ấy cô vẫn theo họ mẹ, năm đó cũng là tròn 10 năm cô theo mẹ chuyển từ thủ đô tới khu nhỏ lạc hậu ở Vân Thành, tỉnh Vân.

Minh Nguyệt nhớ mùa hè năm cô 6 tuổi, Minh Hướng Ngu và cô ngồi xe lửa một ngày một đêm, hai mẹ con chen chúc trên chiếc giường cứng, Minh Hướng Ngu ôm cô con gái bé bỏng vào lòng, nhẹ nhàng vỗ lưng ru cô ngủ.

Bên ngoài ồn ào, trong khoang không có điều hòa, trời oi bức nóng nực, Minh Nguyệt mãi mới ngủ được, vì nóng nên cô tỉnh lại vài lần.

Lần cuối cùng thức dậy, cô thấy Minh Hướng Ngu cúi đầu dựa vào cửa sổ, cầm khăn tay lau nước mắt, đôi vai gầy gò run lên, trầm mặc bi thương.

Khi đó Minh Nguyệt chưa hiểu sinh ly tử biệt là gì, càng không thể san sẻ nỗi buồn với mẹ, cô nhìn bà một lúc lâu, nhỏ giọng hỏi: “Mẹ ơi, có phải mẹ nhớ ba không?”

Minh Hướng Ngu thấy cô tỉnh dậy, bà không khóc nữa, đứng dậy lại gần Minh Nguyệt, ôm chặt cô vào lòng: “Nguyệt Nguyệt, mẹ chỉ còn con thôi, con nhất định phải nghe lời mẹ, phải học hành chăm chỉ, mai sau kiếm một công việc tốt, phải để ba tự hào về con, nhớ chưa?”

Minh Hướng Ngu như người sắp chết đuối bắt được thanh gỗ trôi, Minh Nguyệt bị bà ôm chặt không thở nổi, cô gật đầu.

Ba Trần hy sinh lúc chấp hành nhiệm vụ, dựa theo quy định của đơn vị, nhà cửa bị thu hồi.

Minh Nguyệt còn nhỏ, tiền trợ cấp của đơn vị ba Trần không thấp, Minh Hướng Ngu chỉ cần tìm một công việc ổn định thì bà và Minh Nguyệt vẫn có thể sống ở thành phố B.

Thành phố B là thủ đô, nhiều việc làm, nhưng Minh Hướng Ngu chỉ tốt nghiệp tiểu học, mấy năm nay đều ở nhà giúp chồng chăm con, bôn ba tìm việc ở khắp nơi, cuối cùng cũng được nhận làm nhân viên dọn dẹp ở khu lò mổ, ngày nào cũng làm việc vất vả nhưng chẳng được mấy đồng.

Minh Hướng Ngu và ba Trần quen nhau ở cô nhi viện, ở thành phố B cũng chẳng có người thân để dựa dẫm, bà xin nghỉ việc, dẫn Minh Nguyệt tới Vân Thành, ở đây chi phí sinh hoạt rất thấp, bà muốn tiết kiệm tiền để mai sau Minh Nguyệt học đại học.

Đây cũng là nguyện vọng trước lúc ba Trần mất, ông hy vọng cô con gái duy nhất của mình sẽ đỗ đại học, tương lai không cầu mong cô quá ưu tú nổi bật, chỉ cần là người giúp ích cho xã hội là được.

Lúc mới chuyển tới Vân Thành, Minh Nguyệt vẫn chưa quen, nơi đây không có những tòa nhà cao tầng, tới tối cũng không có đèn neon rực rỡ, chỉ có những ngôi nhà thấp san sát nhau, ngõ nhỏ chật hẹp, người dân chen chúc, ngoài đường ồn ã từ lúc sáng sớm tới chạng vạng.

Con đường từ đầu ngõ tới trạm xe buýt đang tu sửa, lúc trời mưa, mặt đường lầy lội, vì không muốn làm bẩn giày nên Minh Nguyệt phải đi một quãng đường vòng rất xa mới tới bến xe.

May mà lúc cô lên cấp 2, con đường kia cũng sửa xong, khi ấy Minh Nguyệt cũng hiểu tiếng địa phương, biết tới lúc xế chiều các cô ngồi đầu ngõ buôn chuyện gì với nhau.

Buổi chiều trước hôm thi cấp 3, Minh Nguyệt đi học về, giống như mọi ngày, cô chào hỏi các cô đó rồi đi vào ngõ nhỏ, cô còn chưa đi xa, mấy người đó lại bắt đầu bàn tán.

“Ngày mai Diên Diên nhà chị thi cấp 3 đúng không, ôn tập thế nào rồi, có thể đỗ Nhất Trung không?”

“Không thành vấn đề, Diên Diên nhà tôi thông minh thế cơ mà, không như con bé kia, ngốc nghếch đờ đẫn, chắc mai sau không làm nên cơm cháo gì đâu.”

“Ừ đấy, tôi thấy cái tính này của nó chắc là di truyền từ ba nó rồi.”

“Hướng Ngu cũng ngốc nhỉ, bao nhiêu năm rồi mà chẳng đi bước nữa.”



Đây không phải là lần đầu tiên các cô dì đó đàm tiếu về Minh Hướng Ngu và Minh Nguyệt.

Minh Nguyệt từng định cãi nhau với họ mấy lần nhưng mẹ bảo cô phải nhẫn nhịn, bà nói các cô đó không có ác ý, thỉnh thoảng sẽ cho nhà cô rau dưa trồng được, dịp năm mới còn mời hai mẹ con tới nhà ăn cơm.

Bình thường Minh Hướng Ngu gặp phải chuyện gì thì các cô đó cũng sẽ giúp một tay, ví dụ như bị rỉ nước trong phòng bếp, tắc cống thoát nước trong nhà vệ sinh.

Thế nên Minh Nguyệt không hiểu tại sao con người ta lại mâu thuẫn như thế.

Bọn họ hay quan tâm hai mẹ con cô, cũng là người bàn tán sau lưng về hai mẹ con cô.

Minh Nguyệt nghĩ suốt cả đêm, hôm sau đi thi, lúc làm bài cô lại ngẩn ngơ không tập trung.

Không lâu sau, điểm thi cấp 3 được công bố, điểm của Minh Nguyệt thấp hơn điểm chuẩn 3 điểm, bỏ lỡ cơ hội học ở Nhất Trung – ngôi trường tốt nhất ở Vân Thành, cô học ở Tứ Trung.

Điểm cao thì vào trường Nhất Trung, thấp thì vào Tứ Trung, ở nơi tài nguyên giáo dục lạc hậu này, Nhất Trung là ngôi trường có nhiều giáo viên giỏi nhất, nhưng mà nhiều năm liền cũng chẳng có mấy ai đỗ vào mấy trường đại học top đầu.

Nhưng mà ở đây hễ có ai thi đỗ Thanh Hoa Bắc Đại thì đều là học sinh của Nhất Trung cả.

Bắt đầu từ lúc ấy, mỗi lần Minh Hướng Ngu nhìn cô, ánh mắt còn xen lẫn cả thất vọng.

Bà không quan tâm ở trường Minh Nguyệt chơi với bạn nào không, có gặp khó khăn gì không, cũng ít khi nói chuyện với Minh Nguyệt, chỉ khi có điểm thi bà mới hỏi thành tích của cô thế nào.

Giống như hôm qua lúc ăn tối xong, Minh Hướng Ngu hỏi cô đã có điểm thi khảo sát đầu năm chưa, Minh Nguyệt đứng dậy về phòng lấy phiếu điểm cho bà xem.

Lần này cô thi không tệ, được 621 điểm, xếp hạng 11 toàn khối, tiến bộ hơn 20 hạng so với kì thi lần trước.

Minh Nguyệt nghĩ có lẽ vì nghỉ hè nên các bạn lười biếng hơn trước, nhưng thành tích tiến bộ nên cô vẫn vui vẻ không thôi.

Minh Hướng Ngu cầm phiếu điểm của cô, bà nhìn qua, không nói gì cả, rửa bát đũa và dọn phòng bếp rồi ra ngoài.

Minh Nguyệt lau bàn ăn xong, cô về phòng lấy sách vở trong balo ra, kiểm tra bài tập làm buổi chiều lại một lần, cô đọc sách thêm một lát, cả người mệt rã rời.

Cô nhìn đồng hồ trên tường, bây giờ là 7 giờ 20 phút, cô bật TV xem thời sự và dự báo thời tiết.

Lúc Minh Hướng Ngu về, trên màn hình TV đen trắng 7 inch, MC đang nói thời tiết Vân Thành mấy ngày tới, giọng nói dịu dàng êm tai: “Vân Thành, ngày mai tiết trời quang đãng…”

Minh Nguyệt nghĩ ngày mai không cần mang ô nữa, thấy bà về, cô nói: “Mẹ về…”

Cô còn chưa nói xong, Minh Hướng Ngu lao tới bàn ăn, vứt mấy quyển sách cô chưa kịp cất đi xuống đất: “Mai sau con đừng học nữa, cứ xem TV nữa đi!”

Trong tay bà còn cầm một tờ giấy, là giấy báo thành tích dán lên bảng tin của Nhất Trung mà mẹ Trình Bắc Diên đưa cho, trên giấy có điểm thi và top 100 khối khoa học tự nhiên.

Vân Thành rất nhỏ, ít trường cấp 3, ngoài các kì thi tuần và thi tháng bình thường ra, trong các cuộc thi lớn, tất cả các trường trung học phổ thông đều sử dụng 1 đề thi.

Minh Hướng Ngu bình tĩnh lại, bà vứt tờ giấy lên bàn: “Con tự nhìn đi, con thi thế này mà không sợ ba con thất vọng à?”

Minh Nguyệt muốn nói chuyện nhưng lại nhìn thấy tên và điểm thi trên giấy, cuối cùng cô không nói nữa.

Hạng 1: Trình Bắc Diên – 689 điểm.

Hạng 2: Giang Vãn Ý – 688 điểm



Hạng 100: Khương Tuế Tuế – 645 điểm

“Minh Nguyệt, con học lớp 11 rồi, nếu vẫn cứ chểnh mảng thế này thì phải làm sao bây giờ?” Minh Hướng Ngu nói xong, bà xoay người đi vào phòng, đẩy cửa lại, ván gỗ cũ kĩ kêu kẽo kẹt, một tiếng “rầm” vang lên.

Minh Nguyệt ngồi xổm trên mặt đất, nhặt từng quyển sách ôm vào lòng.

Một lúc lâu sau, mắt cô đỏ bừng, khẽ nói: “… Con xin lỗi.”

Hôm sau là thứ 2, buổi chiều lớp 11-17 có tiết thể dục, Minh Nguyệt trốn trong phòng thiết bị trên lầu 2, cầm quyển sách ngữ văn học thuộc bài.

Ngoài cửa sổ, tiếng hò hét trên sân bóng rổ rất ồn ào.

Thành viên chủ lực của đội đen mặc áo số 1, cậu như thanh kiếm được rút ra khỏi vỏ, lưỡi kiếm sắc bén có thể hạ gục đối phương.

Có nhiều bạn nữ reo hò cổ vũ: “Trần Chiêu cố lên.”

Minh Nguyệt dựa vào cửa sổ học thuộc bài thơ, nghe thấy tên này, cô vô thức nhìn ra bên ngoài.

Cậu thiếu niên ở giữa đám đông, không sợ đội bạn phòng thủ, ung dung cầm bóng vượt qua trở ngại.

Lúc cậu chạy, chiếc áo màu đen bay lên theo gió, đón lấy ánh nắng, cả người như ngọn lửa rực rỡ.

Vân Thành hay có mưa, từ lúc khai giảng tới bây giờ, mưa rơi tầm tã suốt cả tuần, hôm nay mới có ánh nắng, có đàn chim trắng tung bay, nổi bật trên nền trời xanh thẳm.

Trong đầu Minh Nguyệt toàn là những lời hôm qua mẹ hỏi cô, cô không nhìn nữa, xoay người lại tiếp tục học thuộc thơ trong căn phòng dụng cụ trống trải.

“Thương nhân trọng lợi khinh biệt ly

Tiền nguyệt Phù Lương mãi trà khứ

Khứ lai giang…”

(Trích trong bài thơ Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị)

Cô cúi người, không hiểu sao nước mắt lại ào ào rơi xuống, giọng đọc cũng nghẹn ngào hẳn đi.

Cơ thể Minh Nguyệt từ từ trượt xuống, cô quỳ gối ngồi dưới đất, chôn mặt trong khuỷu tay.

Đúng vậy, cô nên làm gì bây giờ, khi nào cô mới có thể thoát khỏi nơi ác mộng này đây?

Trận bóng rổ bên ngoài nhanh chóng kết thúc, tiếng hoan hô vang lên, cuối cùng lại lắng xuống trong kết quả thỏa mãn.

Một lát sau, chuông ra chơi vang lên. Tiếng chuông vang dội 30 giây sau mới kết thúc.

Minh Nguyệt ngồi im không nhúc nhích, có giọng nói lạnh lùng trầm thấp vang lên trên đỉnh đầu, “Ra chơi rồi.”

Lúc ấy Minh Nguyệt mới ngẩng đầu lên.

Bỗng nhiên có ánh sáng ập vào, còn có cả khuôn mặt tuấn tú gần trong gang tấc, Minh Nguyệt bị dọa sợ.

Cô vừa khóc vừa nấc cụt, ngồi thẳng lưng dựa sát vào tường như động vật nhỏ đang sợ hãi.

Trần Chiêu khom lưng, để quả bóng rổ trong tay vào giá gỗ bên cạnh cô.

Sau đó, cậu cúi đầu nhìn đôi mắt đỏ hoe của cô gái trước mắt hồi lâu, thờ ơ hỏi: “Ông đây đáng sợ vậy à?”

Gió mùa hạ khô nóng thổi vào, Minh Nguyệt nhìn mắt cậu, lông mi khẽ run, nhẹ nhàng lắc đầu.

Trần Chiêu khẽ cười, đứng thẳng dậy.

Tôn Hạo Vũ đứng chờ ở cầu thang một lúc lâu nhưng không thấy Trần Chiêu đi ra, cậu ta đi tới, thấy Trần Chiêu đứng trước mặt một cô bạn, cô bạn đó bị cậu dọa sợ ngã sõng soài dưới đất không dám nhúc nhích.

“A Chiêu, tôi đã nói với cậu bao nhiêu lần rồi, được tỏ tình mà cậu từ chối thì phải lịch sự một chút chứ, đừng hung dữ với con gái nhà người ta.”

Cậu ta đi vào, nhìn kĩ dáng vẻ của Minh Nguyệt: “Đậu má, sao cậu lại khóc thành ra như này, cậu thích A Chiêu của bọn tôi lắm hả…”

Minh Nguyệt đứng dậy, giọng cô khàn khàn, vừa mềm mại vừa dịu dàng: “…Tôi không thích cậu ấy.”

Tôn Hạo Vũ nghĩ chắc vì Trần Chiêu từ chối Minh Nguyệt, cô không muốn mất mặt nên mới nói thế.

Từ lúc khai giảng tới giờ, có mấy em lớp 10 tỏ tình với Trần Chiêu, hết người này tới người khác, nhưng chỉ có cô bạn trước mắt mới khóc thảm thế này, đây là lần đầu tiên Tôn Hạo Vũ thấy có người thích A Chiêu tới thế.

Tôn Hạo Vũ muốn tốt cho cô, cậu ta hạ quyết tâm, nói tiếp: “Bạn ơi, A Chiêu của bọn tôi không thích cậu đâu, cậu biết Giang Vãn Ý hoa khôi của Nhất Trung không, A Chiêu thích…”

Trần Chiêu lạnh lùng ngắt lời cậu ta, “Tôi thích mẹ cậu đấy.”

Dứt lời, cậu bước ra ngoài.

Tôn Hạo Vũ đau buồn bảo: “Huhu A Chiêu của tôi ơi, từ bao giờ mà khẩu vị của cậu nặng thế, mẹ tôi từng ý tuổi rồi mà cậu cũng không định buông tha nữa chứ.”

Trần Chiêu dựa vào cửa, híp mắt bảo: “Tôn Hạo Vũ, nếu cậu không muốn chết thì mau cút khỏi đây cho tôi.”

Tôn Hạo Vũ không nói vớ vẩn nữa, nghiêm túc khuyên Minh Nguyệt: “Này, cậu đừng buồn, trên đời này có hàng đống người tốt, bây giờ cậu còn nhỏ, mai sau nhất định sẽ gặp được người tốt hơn A Chiêu gấp trăm…”

Minh Nguyệt nhìn cậu ta, giọng nói nghiêm túc như đang tức giận: “Tôi không thích cậu ấy.”

Chẹp chẹp, nóng tính thật đấy.

Trần Chiêu lười nhác nhướng mày nhìn cô.